Theo thông tin tại buổi họp báo, trong khuôn khổ chương trình Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào sẽ diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề “Triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam – Lào: Thách thức và giải pháp”. Đây là dịp để diễn giả hai nước trao đổi về nghiệp vụ báo chí, về xu hướng chuyển đổi số trong báo chí và truyền thông cũng như vai trò của thông tin, tuyên truyền trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường đầu tư giữa hai nước.
Họp báo Tọa đàm về triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam – Lào
Buổi tọa đàm khoa học sẽ gồm có hai phần. Phần 1 gồm 7 tham luận. Trong đó, các diễn giả đến từ các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam bên cạnh chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình trong thực hiện chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí, xử lý tin giả cũng giới thiệu về “Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam Vietnam.vn – điển hình về áp dụng công nghệ trong thông tin đối ngoại”.
Ngoài ra, đại diện đến từ Tổng công ty truyền thông Đa phương tiện (VTC) cung cấp những thông tin hữu ích về hỗ trợ quản lý xã hội thông qua công cụ thông tin và truyền thông. Còn các diễn giả đến từ Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào thông tin về kết quả hợp tác Việt Nam – Lào trong đào tạo báo chí, truyền thông cùng những “Thách thức của thông tin, truyền thông Lào trong bối cảnh hiện nay”.
Về chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí Việt Nam đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.
Phần hai của tọa đàm xoay quanh triển vọng hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Thông qua những góc nhìn của các chuyên gia, các nhà quản lý của hai nước và việc trao đổi với các đại biểu, khách mời và các diễn giả phần nào cung cấp thêm thông tin hữu ích, hé mở những giải pháp thiết thực để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho bà con vùng biên giới, để thông tin và truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đường biên giữa các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Trong buổi Tọa đàm cũng có những chia sẻ về xây dựng: Nền tảng quảng bá Việt Nam Vietnam.vn không chỉ hướng đến độc giả là người Việt Nam trong nước, người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài mà hướng đến đông đảo độc giả trên toàn thế giới quan tâm đến các thông tin về khách quan, đa chiều về Việt Nam được hệ thống sử dụng công cụ dịch tự động của Google, công cụ này sẽ tự động dịch tất cả nội dung sang sáu ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức, Hàn Quốc và Nhật. Các ngôn ngữ này sẽ mặc định khi độc giả truy cập lần tiếp theo.
Với nhiệm vụ chuyển đổi số nền tảng mới này là giải pháp nâng cao khả năng cung cấp, thông tin tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, về hoạt động thông tin đối ngoại, nhân quyền. Quảng bá về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đấu tranh với những luận điệu sai trái đồng thời khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như một diễn đàn để người dân Việt Nam ở nước ngoài cùng đồng lòng hướng về Tổ quốc.
Theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông thì hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng. Song song, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật. Các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh.
Tại tọa đàm nhiều câu hỏi cũng được đặt ra như: làm thế nào để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Lào, để hoạt động xuất khẩu ngày càng sôi động hơn? Muốn thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa 2 nước, cần có những biện pháp gì? Báo chí, truyền thông đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy giao thương giữa hai quốc gia? Tỉnh Thừa Thiên Huế có đường biên giới dài hơn 80km giáp với hai tỉnh Salavan và Sekong của Lào, có nhiều cửa khẩu thông quan với nước bạn Lào. Vậy ông có thể cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh đã có những kế hoạch phối hợp như thế nào với các lực lượng chức năng của tỉnh cũng như của phía tỉnh Salavan, Sekong của nước bạn Lào trong công tác trao đổi thông tin?
Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu Lào đã thẳng thắn nhìn nhận những thách thức của thông tin, truyền thông Lào trong bối cảnh hiện nay cũng như kết quả và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong đào tạo báo chí, truyền thông.
Tọa đàm về triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam – Lào với những vấn đề đặt ra rất thiết thực gắn liền với báo chí truyền thông hai nước Việt Nam-Lào cùng góc nhìn và những thông tin hữu ích qua đó hé mở những giải pháp thiết thực để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho bà con vùng biên giới, để thông tin và truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đường biên giữa các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Lào./.
Bài: Vương Tú, ảnh Minh Nguyệt