Ngày 28/11, chỉ vài giờ trước đợt thả nhóm con tin thứ 5 để đổi lấy hàng chục người Palestine đang bị Israel giam giữ, cả Israel và Hamas đều lên tiếng cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn tạm thời.
Người dân Palestine tìm kiếm những người sống sót sau cuộc tấn công của Israel ở Rafah, Gaza, ngày 22/11. (Nguồn: AP) |
Trước đó, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết, một số binh sĩ của họ đã bị thương nhẹ trong 3 vụ nổ khác nhau và một vụ đấu súng ở khu vực miền Bắc Dải Gaza.
IDF cho rằng, sự cố này đã vi phạm “khuôn khổ lệnh tạm dừng hoạt động”, còn gọi là lệnh ngừng bắn tạm thời.
Trong khi đó, hãng thông tấn Palestine (WAFA) dẫn lời người phát ngôn cánh quân sự của Hamas cho biết, có “một cuộc đụng độ trên thực địa” sau khi IDF vi phạm các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, nhân vật này không nêu rõ chi tiết vụ việc.
Tại diễn biến khác, cùng ngày, Đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách khu vực Trung Đông và châu Phi, kiêm Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã thảo luận với Đại sứ Iran tại Moscow Kazem Jalali về xung đột Israel-Palestine và tình hình nhân đạo tại Dải Gaza.
Hai bên cũng đề cập một số vấn đề thời sự khác trong chương trình nghị sự Trung Đông.
Tuyên bố trên trang mạng, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi sâu rộng về quan điểm liên quan đến tình hình hiện tại ở khu vực xung đột Israel-Palestine. Tình hình nhân đạo ở Dải Gaza được đặc biệt quan tâm”.
Liên quan tình hình, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths sẽ tới thủ đô Amman của Jordan để tham gia thảo luận về khả năng mở lại cửa khẩu Kerem Shalom cho hàng viện trợ nhân đạo tiếp cận Dải Gaza.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva ngày 28/11, ông Martin Griffiths cho biết: “Chúng tôi đã nói từ đầu rằng hoạt động viện trợ cần nhiều hơn 1 cửa khẩu. Cơ hội để sử dụng cửa khẩu Kerem Shalom sẽ được cân nhắc và đây cũng là chương trình nghị sự của tôi tại Amman”.
Nằm ở giao lộ giữa Israel, Dải Gaza và Ai Cập, cửa khẩu Kerem Shalom từng được sử dụng để hơn 60% lượng xe tải đi vào Dải Gaza trước cuộc xung đột hiện nay.
Vận chuyển hàng viện trợ hiện được phép vào Dải Gaza từ cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập, được thiết kế dành cho người đi bộ qua đường chứ không phải cho xe tải.
Trong diễn biến liên quan, một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, không có triển vọng cho việc mở lại cửa khẩu Kerem Shalom vào lúc này. Theo ông, Israel không muốn mở lại cửa khẩu này vì binh sĩ của họ đang đồn trú trong khu vực.
Hiện Israel chưa đưa ra bình luận chính thức nào cho thông tin trên.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ ngày 28/11 cảnh báo, người dân ở Dải Gaza có nguy cơ xảy ra nạn đói nếu nguồn cung cấp thực phẩm nhân đạo không được tiếp tục.
Theo WFP, 6 ngày ngừng bắn để đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza là “không đủ để tạo ra bất kỳ tác động có ý nghĩa nào”.
Cơ quan này cũng kêu gọi quốc tế cung cấp thực phẩm thường xuyên và liên tục cho Gaza. WFP cho biết, từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 24/11 đến nay, họ đã đưa thực phẩm tới hơn 121.000 người ở Dải Gaza.
WFP nêu rõ: “Nhờ ngừng bắn, các đội của chúng tôi mới có thể hoạt động trên thực địa, tiến vào các khu vực từ lâu chúng tôi chưa tiếp cận được. Những gì chúng tôi chứng kiến thật thảm khốc”.
Cơ quan này cũng cảnh báo rằng “rất có khả năng người dân Gaza, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có nguy cơ gặp nạn đói rất cao nếu WFP không thể tiếp tục cung cấp lương thực cho họ”.