Ukraine phát động chiến dịch phản công vào tháng 6 với mục tiêu phá vỡ tiền tuyến ở phía đông nam. Tuy nhiên, cuộc phản công này “không may thiếu một yếu tố then chốt, đó là sức mạnh không quân”, tướng về hưu James Jones nói với RFE/RL trong một cuộc phỏng vấn.
“Điều đó có nghĩa là Nga có nhiều thời gian để rải mìn ở những khu vực mà họ cho rằng lực lượng bộ binh Ukraine sẽ tiến công. Điều đó khiến mọi thứ chậm lại”, tướng Jones, cựu chỉ huy đồng minh tối cao của lực lượng NATO tại châu Âu, người giữ vị trí cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói thêm.
Theo Washington Post, chiến dịch phản công của Ukraine do các đơn vị được NATO huấn luyện dẫn đầu. Ukraine cũng đạt được bước đột phá, dù nhỏ nhưng có ý nghĩa nhất định, trong những tuần gần đây khi lực lượng Kiev vượt sông Dnieper và tiến vào vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Volodymyr Fito, người phát ngôn lực lượng lục quân Ukraine, cho biết Ukraine sẽ cố gắng cắt đứt chuỗi cung ứng của Nga khi thời tiết lạnh giá đến và đẩy họ khỏi Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo người dân nước này nên chuẩn bị cho làn sóng không kích mới của Nga vào cơ sở hạ tầng của phía Kiev khi mùa đông tới gần. Ông cũng dự đoán Nga mở một cuộc tấn công dữ dội vào mặt trận miền Đông, nơi có thành phố Avdiivka.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny tháng trước nhận định, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang rơi vào bế tắc và sẽ không có đột phá nào trong thời gian sắp tới. Ông cũng cảnh báo, trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, Nga sẽ có lợi thế hơn.
Kể từ khi Ukraine mở chiến dịch phản công, Kiev thấy rõ rằng sức mạnh không quân chiến thuật của Nga, vốn vượt trội hơn cả về số lượng và chất lượng, đang đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với họ. Không quân đóng vai trò then chốt trong các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine trong hơn một năm xung đột.
Các máy bay chiến đấu của Nga đã tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng trên bộ khi họ chấp nhận tiến hành các cuộc tấn công rủi ro hơn, có thể phải chịu tổn thất cao để chặn bước tiến của lực lượng phản công Ukraine.
Trung tướng Mykola Oeshchuk, tư lệnh lực lượng không quân Ukraine, thừa nhận nếu Ukraine giành được ưu thế trên không, nhịp độ của cuộc phản công sẽ nhanh hơn nhiều.
Ông giải thích rằng một trong những quy tắc chính để chiếm ưu thế trong các trận chiến là ngăn chặn bước tiến của đối phương và buộc phía bên kia chiến tuyến phải chuyển sang thế phòng thủ, tiếp theo là giành ưu thế và kiểm soát không phận.
Theo ông, các máy bay của Ukraine thua kém đáng kể về tính năng kỹ thuật so với Nga, khiến Kiev khó bắn hạ tiêm kích Moscow trong không chiến.
Tướng Oeshchuk cho biết, mặc dù hoạt động trong điều kiện khó khăn nhưng không quân Ukraine vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ông thừa nhận Kiev đã mất một số máy bay và phi công, nhưng cũng gây thiệt hại cho Nga.
Tuy vậy, theo tướng Ukraiine, Nga tới nay vẫn có đủ phi đội máy bay để tiến hành hoạt động không chiến. Mặt khác, Moscow vẫn sở hữu năng lực sản xuất máy bay và tên lửa mới.
Điểm khác biệt cơ bản giữa sức mạnh không quân Nga với NATO là liên minh quân sự phương Tây chủ yếu sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa, còn Moscow vốn vẫn chủ yếu sử dụng tên lửa hoặc bom không điều khiển. Tuy nhiên, lực lượng không quân chiến thuật của Nga đang dần trang bị các loại vũ khí dẫn đường tầm xa mới trong năm qua.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Moscow dựa vào sức mạnh không quân để ngăn chặn cuộc phản công của Kiev. Ngoài ra, tên lửa chống tăng, bom lượn từ máy bay, kết hợp với các bãi mìn dày đặc, công sự kiên cố của Nga đã khiến Ukraine chịu tổn thất lớn.