Đánh bại chủ nhà Thái Lan 13-12 ở chung kết nội dung bộ ba nữ, Việt Nam lần đầu giành chức vô địch thế giới môn bi sắt.
Nhóm VĐV tham gia thi đấu của Việt Nam gồm Trịnh Thị Kim Thanh, Trần Thị Diễm Trang (thuộc đơn vị Bình Dương) cùng Thạch Thị Ánh Lan và Kim Thị Thu Thảo (Trà Vinh).
Việt Nam khởi đầu tốt, dẫn trước 3-0 rồi 6-1. Nhưng Thái Lan sau đó vùng lên gỡ hòa 6-6. Trận chung kết từ đó chứng kiến màn rượt đuổi kịch tính. Việt Nam dẫn 11-8 rồi để Thái Lan gỡ hòa và vươn lên dẫn ngược 12-11, tưởng như vuột HC vàng. Nhưng ở thời khắc quyết định, các cô gái Việt Nam đã bản lĩnh hơn, ăn điểm để ngược dòng thắng 13-12.
Trên hành trình chinh phục đỉnh cao, thầy trò HLV Vũ Khang Duy đã đánh bại chín đối thủ, trong đó có Pháp – được xem là cái nôi của bộ môn này.
Giải bi sắt thế giới diễn ra từ 23/11 đến 27/11 tại Thái Lan. Việt Nam kết thúc giải với một HC vàng và một HC bạc. Tấm HC bạc thuộc về tuyển thủ Thạch Thị Ánh Lan ở nội dung kỹ thuật cá nhân.
Môn bi sắt có tên gọi quốc tế là pétanque. Những người chơi đứng trong vòng tròn có đường kính từ 35 cm đến 50 cm, vòng tròn này phải nằm cách đường biên cuối sân và biên ngang 1 m.
Mỗi đội chơi có thể là một, hai hoặc đội ba VĐV. Nếu đội chơi có một hoặc hai VĐV thì mỗi người cầm ba viên bi sắt, đội có ba VĐV thì mỗi người sẽ cầm hai viên bi sắt. Sau khi bốc thăm, một đội (hoặc một đối thủ) sẽ được cầm viên bi điểm nhỏ ném trước. Bi điểm được xem là hợp lệ khi nằm cách xa vòng tròn từ 6 đến 10 m và cách hai biên dọc 1 m. Sau khi đối thủ ném viên bi điểm về phía trước, VĐV còn lại có nhiệm vụ đầu tiên là bo (hay còn gọi là lăn) viên bi của mình sao cho gần viên bi điểm.
Khi bo viên bi gần viên bi điểm nhất, người đó được xem là thắng đối phương, người còn lại có nhiệm vụ bắt viên bi của đối phương đi nơi khác. Mỗi người được phát ba viên bi để bo, nếu bo đi hết cả ba viên thì ai có viên bi gần với bi điểm nhất được công nhận là thắng điểm. Các trận thi đấu đến 13 điểm.
Bi sắt thường được tổ chức trên ba loại sân khác nhau bao gồm: sân đất nện, sân đất nện có rải đá dăm và sân đất nện rải đá dăm (1×2). Trung bình ở mỗi ván đấu, VĐV đi lại từ 8 đến 15 km – nhiều hơn quãng đường di chuyển của một cầu thủ trong một trận đấu bóng đá chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, người chơi bi sắt tập trung chủ yếu ở miền nam, như TP HCM, Sóc Trăng và Vũng Tàu. Đội tuyển Việt Nam lần đầu tham gia thi đấu môn này từ SEA Games 21.
Nghĩa Hưng