Văn bản về việc xây dựng kế hoạch dạy học khoa học tự nhiên, lịch sử và địa địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Văn Thưởng ký, nêu thực tế triển khai việc dạy tích hợp thời gian qua cho thấy việc phân công giáo viên (GV) và xếp thời khóa biểu để tổ chức dạy học còn khó khăn, vướng mắc.
Do vậy, Bộ GD-ĐT đưa ra một số lưu ý các nhà trường thực hiện việc phân công GV, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đồng thời có xây dựng khung kế hoạch dạy kèm theo để các cơ sở giáo dục tham khảo.
Cụ thể, ở môn khoa học tự nhiên (cấp THCS), Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường phân công GV bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của GV với nội dung dạy học được phân công (theo các mạch nội dung chất và sự biến đổi của chất, năng lượng và sự biến đổi, vật sống, trái đất và bầu trời).
“Việc phân công GV đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của GV để bảo đảm chất lượng dạy học”, văn bản nêu.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo tiếp tục xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mạch nội dung theo chương trình môn học. Trong trường hợp khó khăn về xếp thời khóa biểu, cần linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình để xếp thời khóa biểu phù hợp với việc phân công GV, đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm (bảo đảm nội dung dạy học trước là cơ sở cho nội dung dạy học sau) và khả năng thực hiện của GV.
Lịch sử dạy song song cùng địa lý
Trong văn bản hướng dẫn mới ban hành, với môn học này, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý thay vì học theo mạch kiến thức như môn khoa học tự nhiên. Các phân môn này cũng được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Với việc kiểm tra, đánh giá ở cả 2 môn tích hợp, Bộ GD-ĐT hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học; GV dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá với nội dung đó. Hiệu trưởng phân công GV chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với GV cùng dạy học môn học ở lớp đó để thống nhất điểm đánh giá thường xuyên, bảo đảm số điểm đánh giá theo quy định, tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.
Giáo viên mong điều chỉnh gì với “tích hợp”?
Mới đây, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục về quá nhiều bất cập của việc triển khai dạy học các môn tích hợp ở cấp THCS và đề nghị phương án “lối cũ ta về”, tách môn tích hợp thành các đơn môn.
Với môn lịch sử và địa lý, nhiều nhà giáo và chuyên gia sử học vừa qua đã gọi việc tích hợp hai môn học này và cách làm như hiện nay là cuộc “cưỡng hôn” và mong cuộc “ly hôn” sẽ diễn ra càng sớm càng tốt.
Ngày 15.8 tại buổi “gặp gỡ” với nhà giáo trên toàn quốc, trước băn khoăn của GV về việc dạy tích hợp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đồng tình, chia sẻ và cho biết, từ việc kiểm tra, thu thập ý kiến chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, GV tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy đây là điểm nghẽn, điểm khó. Đã có một số GV có thể dạy được tất cả các học phần trong môn tích hợp, nhưng đa số vẫn dạy theo các môn riêng biệt. Nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dù việc tập huấn GV đã được triển khai nhưng vẫn gặp những khó khăn lớn.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy học các môn tích hợp bậc THCS. “Chúng ta vẫn kiên trì việc dạy tích hợp ở bậc tiểu học vì đã làm tốt từ trước tới nay, nhưng riêng bậc THCS, Bộ GD-ĐT sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh. Nếu có thì đây sẽ là lần điều chỉnh lớn”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành thì không thấy sự điều chỉnh nào thực sự đáng kể mà chỉ là sự nhắc lại và hướng dẫn cụ thể hơn việc triển khai dạy học các môn tích hợp trong điều kiện hầu hết các trường đều chưa có giáo viên được đào tạo để dạy tích hợp.