Chiều 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Trong phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh dự thảo luật đề xuất nhiều cơ chế, chính sách cho hoạt động khoa học và công nghệ, thu hút nhân lực chất lượng cao, chính sách cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh…
Đại biểu (ĐB) Khuất Việt Dũng (Hà Nội) cho rằng đây là những đề xuất mạnh dạn và cần thiết từ giao nhiệm vụ nghiên cứu đến sản xuất, tự chủ trong phát triển sản phẩm, giao thẩm quyền khoa học, thu hút trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, cơ chế giao nhiệm vụ chỉ định thầu….
Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần có cơ chế, chính sách rõ hơn nhất là trong hoạt động khoa học và công nghệ, thu hút và trọng dụng nhân tài. Bởi đây là “chìa khóa tạo nên đột phá” cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là trong thời đại bùng nổ của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo Al.
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cũng cho rằng, quy định về chế độ chính sách như dự thảo luật còn khá tản mát và thiếu tính khái quát. Nữ ĐB đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện quy định về chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.
Đồng thời, nghiên cứu quy định cụ thể, minh bạch về chế độ, chính sách đối với các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để bảo đảm thống nhất với Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) khẳng định, cần ưu tiên xây dựng, thu hút, đãi ngộ, đặc biệt cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, đội ngũ kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành về công nghệ. Theo bà, cần có cơ chế tuyển thẳng và chính sách ưu đãi cao hơn cho học sinh giỏi từ THPT, sinh viên theo học các ngành nghề đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn.
Trong điều kiện bình thường, cùng một vị trí việc làm nhưng chế độ chính sách cho người lao động, hợp đồng trong doanh nghiệp quốc phòng có sự khác nhau với viên chức quốc phòng và có sự chênh lệch so với quân nhân chuyên nghiệp.
“Đây là trăn trở của nhiều công nhân lao động trong doanh nghiệp quốc phòng. Vì vậy, cần thiết kế chính sách tiền lương, thưởng, các loại bảo hiểm, phụ cấp đặc thù để giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tay nghề cao”, bà Xuân kiến nghị.
Giải trình về nội dung này, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, đối với quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan hoạt động trong lĩnh vực này đúng là còn khó khăn nhất định nhưng cũng sẽ cố gắng để có chính sách đãi ngộ.
Bộ trưởng dẫn chứng ở Viettel đã phải có một nghị định riêng của Chính phủ thì mới thu hút được nguồn lực, con người.
Ông cũng đồng tình là phải có chính sách lương, thưởng, nhà ở, thẩm quyền để giao cho nhiệm vụ khoa học; khen thưởng, ghi nhận, phong tặng các chức danh khoa học, các chính sách hậu phương quân đội. Bởi công việc trong lĩnh vực này là khó, rủi ro cao.
ĐB Đinh Văn Thê (Gia Lai) nhấn mạnh, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng là chủ trương rất đúng của Đảng.
Theo ông tính lưỡng dụng thể hiện khi cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh ngoài việc tạo ra sản phẩm phục vụ nhiệm vụ nếu không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh thì được quyền tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống dây chuyền công nghiệp tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Các cơ sở công nghiệp khác ngoài việc tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sinh có thể tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm phục vụ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Đối với các sản phẩm đặc thù có tính năng vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vừa phục vụ nhiệm vụ dân sinh như: máy bay, tàu thủy cao tốc, tàu ngầm, máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ…. cần có quy định về việc liên doanh, liên kết thẩm quyền, thẩm định phê duyệt, chế độ, chính sách đặc thù.
Nhiều tổ chức, cá nhân phát triển tàu ngầm mini, tàu lặn, tàu cao tốc, phương tiện bay cá nhân…. nếu thành công thì đây là sản phẩm rất hữu ích, vừa phục vụ dân sinh vừa phục vụ quốc phòng, an ninh. ĐB Thê cũng cho rằng đây là sản phẩm lưỡng dụng đặc thù, luật cần có quy định vừa khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đóng góp nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội cũng như củng cố quốc phòng, an ninh.
Nói về vấn đề này, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, luật xác định đối tượng của động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang.
Ngoài bảo đảm sản xuất trong công nghiệp và động viên công nghiệp, nếu có luật thì “sửa chữa, sản xuất được được những thứ mà công nghiệp quốc phòng có thể chuyển giao, độ mật không cao, có thể lắp lẫn hoặc đơn lẻ”.
Bộ trưởng cũng cho biết trước tình hình thế giới như hiện nay thì cần có quy định, chính sách động viên công nghiệp để chuẩn bị và thực hiện ngay từ thời bình. Để khi đất nước có tình huống cần có sự động viên sức người, sức của tăng lên thì có khả năng tự bảo đảm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Quốc phòng: Nhiều người làm ở Boeing, Airbus vẫn về nước cống hiến
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng chia sẻ, có những người từng làm cho Boeing, Airbus, Lockheed Martin lương rất cao, cuộc sống đầy đủ nhưng vẫn về Việt Nam làm việc.
Sẽ có cơ chế phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược.