Hình thức mua sắm online được ưa chuộng
Tiện lợi, nhiều mẫu mã, ưu đãi,… là một số lý do khiến nhiều khách hàng lựa chọn mua hàng online.
Lưu Thảo Nhi (sinh viên) thường chọn mua sắm online thay vì đến trực tiếp cửa hàng. Theo Thảo Nhi, mua sắm online rất tiện lợi, có thể mua ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần có điện thoại thông minh. Chưa kể, trên các ứng dụng có đầy đủ tất cả những sản phẩm mà người tiêu dùng tìm kiếm cộng thêm nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
“Mua sắm online rất phù hợp với lịch học và làm thêm dày đặc của tôi. Muốn mua gì tôi chỉ cần lên các ứng dụng, đặt hàng xong còn được giao đến tận nơi. Đặc biệt, hàng hóa trên đó được mô tả kỹ càng, giá cả cũng lợi hơn ngoài cửa hàng hay chợ”, Thảo Nhi nói.
Không chỉ với giới trẻ, ở độ tuổi trung niên, ông Phạm Văn Tấn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng dần chuyển sang mua hàng online. Ông cho biết, nếu ngày trước mua cây giống về trồng ông phải đến tận nơi xem thì nay khi mua sắm online, ông tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức.
“Lúc đầu tôi cũng ngần ngại khi mua hàng trực tuyến vì lo lắng chất lượng sản phẩm. Nhưng người bán có livestream sản phẩm cũng như trả lời thắc mắc của khách hàng tận tình. Đến lúc nhận còn được kiểm tra hàng. Chưa kể nếu mua số lượng nhiều còn được miễn phí vận chuyển. Cho nên, giờ tôi cũng an tâm khi mua hàng trực tuyến”, ông Tấn chia sẻ.
Nếu xu hướng mua hàng trực tuyến đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thì các khu chợ truyền thống lại chật vật vì sức mua ngày một giảm dần.
Buôn bán ế ẩm khiến bà Hà (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) ngán ngẩm. Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Hà cho biết một phần là do kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, một phần do xu hướng mua hàng của người dân thay đổi, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến: “Từ sau dịch bệnh COVID-19, mua sắm online bùng nổ và ngày càng được ưa chuộng. Điều này cũng khiến chợ truyền thống dần mất khách”.
Tương tự, chị Loan (chủ cửa hàng bán quần áo ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cũng đang đau đầu trước sức ép, cạnh tranh của thị trường mua bán online: “Tình hình buôn bán hiện tại rất khó khăn, sức mua giảm hơn một nửa từ sau dịch bệnh. Nhiều khách hàng chỉ vào xem rồi đi, có người còn so sánh với giá trên các ứng dụng mua sắm. Nhưng tôi không thể giảm, vì ngoài tiền vốn nhập quần áo, tôi còn phải tốn thêm chi phí mặt bằng, điện, nước…”.
Người mạnh dạn, người ngần ngại chuyển đổi
Để duy trì kinh doanh, thích ứng với xu hướng mới, chị Loan đã kết hợp bán tại cửa hàng và online. Cách buôn bán này đã cải thiện tình hình kinh doanh của cửa hàng.
“Từ khi bán hàng online, khách hàng của tôi không chỉ có người địa phương mà còn có ở các tỉnh, thành khác. Nhờ đó, tôi có kinh phí trả tiền mặt bằng, nhân viên và duy trì việc kinh doanh. Tuy nhiên, dù quen sử dụng mạng xã hội nhưng để thu hút khách hàng, tôi phải thường xuyên học cách chụp hình, đăng bài và livestream trên mạng xã hội. Theo tôi, khâu ăn nói, tương tác với khách hàng là một trong những yếu tố để họ tin tưởng lựa chọn sản phẩm của mình”, chị Loan cho hay.
Trong khi đó, dù buôn bán khó khăn, bà Hà vẫn bám chợ với hình thức kinh doanh truyền thống. Với bà Hà, sạp hàng vừa là việc kinh doanh vừa là kỷ niệm với tiểu thương.
Ngoài ra, ở độ tuổi ngoài 60, không rành công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiểu thương này ngần ngại chuyển đổi hình thức kinh doanh: “Thấy nhiều tiểu thương chuyển sang bán hàng online và chốt đơn liên tục, tôi cũng rất muốn thử. Nhưng cách buôn bán truyền thống đã gắn bó với tiểu thương chúng tôi mấy chục năm nay, không thể đổi trong một sớm một chiều được. Nhất là khi tôi đã lớn tuổi, không giỏi ăn nói lại thêm không rành công nghệ nên khó bắt kịp lớp trẻ trong việc kinh doanh online”.