Giá trị mua bán – sáp nhập (M&A) 10 tháng đầu giảm 23% so với cùng kỳ 2022 nhưng tiến bộ về chất lượng và nhiều triển vọng sắp tới.
Thông tin được KPMG Việt Nam công bố tại “Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023” (M&A Vietnam Forum 2023) lần thứ 15 do Báo Đầu tư tổ chức chiều 28/3.
Mười tháng qua, thị trường chứng kiến 265 giao dịch, giá trị hơn 4,4 tỷ USD, và đang trong giai đoạn hạ nhiệt theo xu hướng chung toàn cầu do nhiều yếu tố kinh tế bất lợi. Với diễn biến này, KPMG dự báo giá trị M&A năm nay khó bằng 2022.
Tuy nhiên, điểm sáng là giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD, cao thứ hai từ 2008. Ông Warrick Cleine, Chủ tịch & CEO KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng có sự chuyển hướng sang các khoản đầu tư chiến lược. “Giá trị trung bình cao hơn thể hiện chất lượng của các thương vụ”, ông nhận xét.
Năm thương vụ M&A lớn nhất gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) mua 15% cổ phần VPBank (1,4 tỷ USD); ESR Group mua cổ phần chiến lược BW Industrial (450 triệu USD); Thomson Medical Group (mua kiểm soát bệnh viện Pháp Việt (381 triệu USD); Gamuda Land mua Tâm Lực (316 triệu USD); và Bain Capital rót ít nhất 200 triệu USD vào Masan.
Ba lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là tài chính, bất động sản và y tế, chiếm tỷ lệ lần lượt 47%, 23% và 10%. Ông Warrick Cleine lý giải do các nhà đầu tư có niềm tin vào sức khỏe ngành tài chính, quan tâm nhiều đến bất động sản công nghiệp và sự chuyển dịch nền kinh tế sang dịch vụ.
Nhà đầu tư nước ngoài dẫn dắt dòng vốn thời gian qua, với sự trở lại mạnh mẽ của Nhật Bản (1,6 tỷ USD). Tiếp đến là Singapore (1,1 tỷ USD), Mỹ (472 triệu USD), Malaysia (316 triệu USD) và Thái Lan (262 triệu USD).
“Gần đây, Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư khu vực, nhưng vắng mặt rõ rệt công ty châu Âu, Mỹ thì có nhưng chưa nhiều”, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, đánh giá.
Ngoài ra, do chi phí tài chính, sự sẵn sàng của nguồn vốn và niềm tin nên doanh nghiệp nội địa cũng ít tham gia M&A hơn, theo ông Warrick Cleine. “Khi giải quyết điểm nghẽn về vốn thì khối nội sẽ quay lại”, ông nói.
Dự báo triển vọng sắp tới, các chuyên gia cho rằng phải đến nửa đầu năm sau thì thị trường M&A Việt Nam mới có thể biết được khả năng thoát ra khỏi vùng giảm hay vẫn tiếp tục xu hướng giảm chung của thế giới.
Bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc công ty tư vấn thương vụ ASART cho rằng 2024 vẫn là khó khăn. Ông Warrick Cleine nói giới đầu tư đang chú ý đến động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nếu lãi suất hạ nhanh thì sẽ còn nhiều cơ hội hơn cho thị trường Việt Nam.
Thực tế, hành động của Fed đã ảnh hưởng không nhỏ cho M&A toàn cầu thời gian qua. Việc không ngừng tăng lãi suất khiến chi phí tài chính gia tăng và giá tài sản giảm. Điều này khiến tổng số thương vụ M&A tính đến hết tháng 10 giảm 16,8% so với cùng kỳ 2022, theo GlobalData.
Về trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng thị trường M&A Việt Nam nhiều triển vọng. Bà Bình Lê Vandekerckove dẫn lịch sử cho thấy thị trường xuống đáy hồi 2012 nhưng tích cực vào giai đoạn 2016 – 2018.
Riêng năm 2017 ước có tới 16 tỷ USD đổ vào Việt Nam, tính cả thương vụ không được công bố rộng rãi. “Điều này đồng nghĩa cơ hội luôn ở đó. Khoảng 3 năm tới, chúng ta sẽ thấy thị trường M&A của Việt Nam đạt con số 20 tỷ USD”, bà dự báo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Duy Đông nói nền kinh tế tiếp tục phục hồi, niềm tin tiêu dùng cải thiện, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc thì hoạt động M&A sẽ nhộn nhịp lại.
“Thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh”, ông Đông nói.
Tính đến ngày 20/11, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4%. Ông Khanh Vũ, Phó tổng giám đốc Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity nói Việt Nam trong số ít thị trường mang lại triển vọng lợi nhuận lớn, nơi các nhà đầu tư di chuyển dòng tiền sang để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
“Việt Nam đang ở giai đoạn phù hợp cho các công ty Nhật Bản thâm nhập hoặc mở rộng. Do đó, 85% hoạt động của chúng tôi là phục vụ các thương vụ từ Nhật Bản vào đây”, ông Masataka Sam Yoshida của RECOF cho biết.
Thị trường này cũng nằm trong khu vực Đông Nam Á, nơi đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong bối cảnh xung đột nổi lên nhiều nơi khác, theo ông Sebastien Laurent, Giám đốc điều hành khu vực châu Á công ty tư vấn Financière de Courcelles. “Không còn băn khoăn nào về Đông Nam Á mà chỉ là bắt đầu từ thị trường nào tại đây”, ông đánh giá. Vậy làm gì để Việt Nam nâng cao sức hút?
Đầu tiên là tiếp tục cải thiện chính sách để việc đưa vốn vào và rút ra thuận tiện, nhanh chóng. Hiện đầu tư vào Việt Nam mất nhiều thời gian hơn thị trường khác. Ông Masataka Sam Yoshida ví dụ doanh nghiệp Nhật tiến hành M&A nội địa mất khoảng 3 tháng, tại thị trường phương Tây mất 6 tháng, còn ở Việt Nam thì nhanh cũng hơn năm. “Gần đây, thời gian hoàn tất thương vụ ngày càng dài”, bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch công ty luật VILAF cho biết thêm.
Thứ hai là chất lượng tài sản. Theo ông Warrick Cleine, các công ty Việt Nam có lợi thế chất lượng hàng hóa, dịch vụ, con người, tỷ suất lợi nhuận tốt, nhưng bản cân đối kế toán thường chưa tốt, có các khoản nợ chi phí huy động quá cao.
Điểm yếu của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bộ lộ rõ khi gặp khó khăn, ví dụ như chất lượng hội đồng quản trị, chất lượng giải trình của ban điều hành. “Chúng tôi quan tâm nhiều đề khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Đúng là cần nhiều tài sản chất lượng hơn”, ông Sebastien Laurent bổ sung.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị bên bán nên điều chỉnh kỳ vọng định giá – hiện thường quá cao. Đồng thời, cần quan tâm đến ESG (bộ tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị). “Ngày nay, cứ 5 thương vụ thì 2 cái là có yêu cầu về ESG”, bà Bình Lê Vandekerckove nói.
Viễn Thông