Mới đây, cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nên bổ sung quy định tính điểm giấy phép lái xe.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.
Các ý kiến này cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước (Trung Quốc, Đức) đang thực hiện.
Quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý cả quá trình chấp hành luật của lái xe, thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ.
Đồng thời, đề nghị cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi; tài xế phải học lại, thi lại giấy phép lái xe khi đã bị trừ đến một số điểm nhất định.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu bổ sung thêm hình thức trừ điểm giấy phép lái xe sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp giấy phép lái xe.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho rằng, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước chứ không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, đại biểu đề xuất dự thảo Luật bổ sung quy định tính điểm giấy phép lái xe. Bởi vì thực tế có nhiều người liên tục vi phạm luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
Ông dẫn chứng nhiều nước hiện nay đang áp dụng biện pháp này như một cách đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm, buộc họ phải ý thức hơn nữa để không bị tước giấy phép lái xe và phải học lại, thi lại mới được cấp giấy phép lái xe trở lại.
Chung quan điểm này, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng đề nghị phải đưa quy định tính điểm bằng lái đối với tài xế vào dự luật này. Trong đó, có thể đưa ra mức 16 hoặc 20 điểm, nếu tài xế vi phạm, bị trừ đến số điểm tối đa bao nhiêu sẽ bị hủy bằng, phải thi lại để được cấp.
“Trước đây chúng ta đã tiến hành bấm lỗ bằng lái nhưng sau đó bỏ, còn giờ thì nên trừ điểm. Tuy nhiên, không phải lỗi nào cũng trừ điểm. Những lỗi như vi phạm tốc độ nghiêm trọng, gây hậu quả sẽ bị trừ điểm cụ thể”, ông An nêu.
Trao đổi với PV VietNamNet về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ đồng tình về mặt chủ trương, định hướng.
Theo ông Quyền, việc tính điểm trên giấy phép lái xe là một giải pháp đã được một số nước phát triển trên thế giới áp dụng. Để triển khai được việc này phải dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu theo dõi đầy đủ tài xế, người vi phạm.
“Làm sao phải công khai, minh bạch để người tham gia giao thông thấy mình đang ở đâu để điều chỉnh kịp thời.
Song song đó, việc xử lý vi phạm cũng phải công khai minh bạch. Mọi hành vi vi phạm được giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh thì lúc đó việc tính điểm giấy phép lái xe mới phát huy hiệu quả”, ông Quyền nói.
Cũng ủng hộ đề xuất này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, ý tưởng này có thể triển khai được ngay, bởi đây là giải pháp giáo dục hữu hiệu đối với cánh tài xế, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ, thu giữ bằng lái trước đây.
“Ở một số nước, mỗi giấy phép lái xe sẽ được quy định tương ứng với số điểm cụ thể ví dụ 16 – 18 điểm/năm. Mỗi điểm bị trừ tương ứng với các lỗi được quy định (vượt đèn đỏ, đi lấn làn, chạy quá tốc độ…).
Sau một thời gian, nếu tài xế không tái phạm thì số điểm sẽ được quay về như cũ. Nếu tiếp tục tái phạm với tần suất, mức độ nhiều hơn, nguy hiểm hơn thì có thể bị trừ hết điểm, lúc đó sẽ bị thu bằng.
Từ kinh nghiệm các nước, tôi cho rằng chúng ta nên bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật”, ông Tạo kiến nghị.
Một chuyên gia giao thông khác nhấn mạnh, việc trừ điểm bằng lái sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung, giúp khắc phục trường hợp người vi phạm đối phó bằng cách báo mất bằng, xin cấp lại để xóa bỏ vi phạm trước.
Muốn làm được việc này, cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm phải liên thông toàn quốc, làm sao để dễ dàng kiểm tra, đối chiếu…
Như vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trữ sẽ rất lớn và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư để lực lượng chức năng ở các địa phương có thể tra cứu cũng như lưu trữ, trừ điểm người điều khiển phương tiện vi phạm. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng phải tính đến nếu dự kiến đưa nội dung này vào dự thảo Luật.