Ông Nguyễn Thành Trung – Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, cho biết: Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hiện có 5 loại khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác cho 25 doanh nghiệp với 32 điểm mỏ khoáng sản. Trong đó, 20 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được phép khai thác trên 18 triệu m3; 7 điểm mỏ khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được cấp phép là trên 350.000m3 và một số điểm mỏ khác để khai thác đá vôi, chì kẽm và than… Trong năm qua, tổng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nộp là 451.869.350 đồng.
Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gia tăng. Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động khai thác khoáng sản cũng gây không ít hệ lụy tới môi trường, an toàn lao động và lãng phí tài nguyên. Cải tạo phục hồi môi trường phải đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần như ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.
Trong quá trình khai thác, các chủ dự án đã thực hiện các biện pháp, kế hoạch cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; kết thúc khai thác, các chủ dự án thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản vẫn chậm trong việc nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, một số đơn vị không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khi dừng khai thác dẫn đến những hệ lụy gây ô nhiễm môi trường.
Một trong những đơn vị khai thác khoáng sản không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường là Công ty Molybden Điện Biên, khai thác vàng tại điểm mỏ Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông. Sau khi dừng khai thác, Công ty này đã không thực hiện đóng cửa mỏ, số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đã nộp không đủ để cải tạo môi trường tại khu vực khai thác. Tình trạng này khiến chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp tháo gỡ, còn người dân sinh sống trong khu vực này luôn lo lắng vì ô nhiễm môi trường.
Để siết chặt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cấp, ngành và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản. Thực hiện kiểm tra giám sát, đôn đốc việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản phải lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản – Ông Trung cho biết thêm.