Chiều 28/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, theo lời mời của Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Hoạt động này của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra từ ngày 28 đến 30/11, đánh dấu dấu mốc lần đầu tiên một Thủ tướng của Chính phủ Việt Nam có chuyến thăm chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị và tạo động lực mới, mang tính đột phá cho hợp tác của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, tới các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng…
Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2023.
Với vị trí địa lý kết nối hai lục địa Á – Âu cùng vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho hàng hóa các nước thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Nam Âu.
Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1978. Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Trong thảm họa động đất diễn ra tại miền Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ (2/2023), Chính phủ Việt Nam đã viện trợ 100.000 USD và cử 2 đội cứu hộ, cứu nạn sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả.
Kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ đang áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm của Việt Nam như cao su, điện thoại di động, da giày…
Về đầu tư, tính lũy kế tháng 10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Các dự án nổi bật đã và đang được triển khai gồm: Công ty Hayat Kimya đầu tư 250 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chất tẩy rửa, giấy vệ sinh… tại tỉnh Bình Phước; công ty Bora Lastik mua cổ phần của công ty Cao su Đà Nẵng.
Tháng 8/2023, Công ty IC Ictas (thuộc Tập đoàn IC Holdings) của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu Liên danh Vietur đã trúng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành.
Về hợp tác địa phương, HĐND TP Hà Nội và chính quyền thủ đô Ankara đã ký Thỏa thuận hợp tác từ tháng 9/2011. Các địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề xuất ký thỏa thuận hợp tác với một số địa phương của Việt Nam, như: Istanbul – TPHCM, Antalya – Nha Trang, Konya – Thừa Thiên Huế.
Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 200 người, sống rải rác ở các tỉnh, thành khác nhau, hiện đã thành lập được Ban Chấp hành lâm thời Hội người Việt.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân trong chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ có:
1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
2. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
4. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam
5. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến
6. Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch
7. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt
8. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc
9. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân
10. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy
11. Phó Viện trưởng Thường trực VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến