11:17, 18/04/2023
BHG – Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của cấp ủy tỉnh đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa, nhân lên sức mạnh tổng hợp khiến nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và đời sống sinh hoạt của nhân dân dần được xóa bỏ. Qua đó, không chỉ hình thành những mô hình mới, cách làm hay mà còn “thổi sinh khí” mới để xây dựng con người mới, nếp sống mới văn minh.
Văn minh trong đời sống sinh hoạt và việc hiếu, hỉ
Hủ tục được xóa bỏ là một trong những điều kiện quan trọng giúp đồng bào Mông xã Nàn Ma (Xín Mần) vươn lên phát triển kinh tế. |
Nếu như trước đây, đám cưới của người Mông thường tổ chức ăn uống kéo dài từ 2 – 3 ngày thì nay chỉ còn 1 bữa chính. Đồng bào Dao đã giảm tục xin dâu từ 3 ngày, 3 đêm xuống còn 1 ngày; bỏ tục uống rượu quỳ và không còn tình trạng thách cưới cao. Hay dân tộc Bố Y giảm ăn uống từ 2 – 3 bữa xuống 1 bữa khi tổ chức lễ dạm ngõ. Đặc biệt, với việc sâu sát cơ sở, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tuyên truyền, vận động hoãn hôn trên 500 cặp do chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Riêng huyện Xín Mần vận động thành công 8 đám cưới (tại xã Cốc Rế) bỏ thách cưới. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm “Dòng họ Nông tự quản”, tại thôn Díu Thượng (xã Bản Díu) với 62 hộ tham gia. Qua hơn 1 năm, dòng họ Nông đã phát huy vai trò tự quản về an ninh, trật tự và nói không với kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, bạo lực gia đình.
Cũng theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Xín Mần: Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện có 392 người chết. Thay vì giết mổ nhiều gia súc phục vụ đám tang, khiến không ít hộ khánh kiệt về kinh tế như trước đây thì nay, 134 đám tang trong số đó không giết mổ gia súc; 174 đám tang chỉ giết mổ 1 con gia súc và 31 đám tang giết mổ từ 2 con gia súc; 53 hộ chưa tổ chức đám tang (làm ma khô). Đặc biệt, 388/392 đám tang không để người chết quá 48 giờ; 390/392 đám tang đưa người chết vào áo quan. Tại thành phố Hà Giang, các cấp, ngành vận động nhân dân tổ chức việc tang tiết kiệm, văn minh. Trong đó, thí điểm không sử dụng bức trướng, vòng hoa tại các đám hiếu; vận động nhân dân không lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường, không đốt, rải vàng mã gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc, đồng bào Mông có khoảng 10 dòng họ chính và hơn 200 chi họ khác nhau. Thời điểm trước năm 2020 có hơn 150 chi họ chưa đưa người chết vào áo quan mà treo trên cáng, để dài ngày trong nhà. Nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang, huyện đã thành lập 7 đội nghi lễ phục vụ đám tang tại các xã, thị trấn; hướng dẫn 45 hộ đồng bào Mông xã Pả Vi xóa bỏ hủ tục trong tổ chức đám tang, lễ làm ma khô; đưa các trưởng dòng họ, thầy chỉ đường, thầy khèn đi học tập kinh nghiệm cải tiến đám tang trong đồng bào Mông. Đồng thời, xây dựng các mô hình điểm về “Dòng họ thực hiện đưa người chết vào áo quan”, tại xã Sủng Trà, Tả Lủng, Pả Vi… Nhờ đó, năm 2022, toàn huyện có gần 70 đám tang của đồng bào Mông thực hiện đưa người chết vào áo quan, tạo bước tiến vượt bậc trong thay đổi nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh.
Cùng với kết quả trên, trong đời sống sinh hoạt, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã chủ động cải tạo nhà cửa, vệ sinh môi trường, chăm lo phát triển kinh tế để từng bước giảm nghèo bền vững. Điển hình như huyện Mèo Vạc, vận động nhân dân di dời 157 chuồng gia súc ra xa nhà ở; cải tạo, làm mới 224 nhà vệ sinh, 145 nhà tắm để thực hiện nếp sống văn minh.
Phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp
Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của cấp ủy tỉnh khẳng định quan điểm xuyên suốt: “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh”. Theo đó, nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy (tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian, nghề truyền thống)… Điều này không chỉ tạo nên bản sắc văn hóa riêng, độc đáo mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, chinh phục du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Giang.
Hiện nay, toàn tỉnh có 81 lễ hội, đa phần gắn với hoạt động tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu tổ chức vào dịp đầu năm. Một số lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên như: Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; Hoàng Vần Thùng, cấp Sắc của dân tộc Dao… Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh các hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tới du khách, một số lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, chợ Phong lưu Khâu Vai… Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Đặc biệt, để Nghị quyết 27 có sức sống vững bền trong thực tiễn, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo. Điển hình như huyện Mèo Vạc thực hiện 150 buổi đưa nội dung bảo tồn văn hóa truyền thống vào trường học, thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt Đoàn, Đội và các môn học có liên quan. Phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian, tổ chức cho học sinh học múa khèn, hát dân ca dân tộc Mông, múa trống (dân tộc Giáy), hát Phươn (dân tộc Xuồng, Tày, Giáy); đầu tư xây dựng 16 nhà cộng đồng để tổ chức các hoạt động về bảo tồn văn hóa truyền thống. Mặt khác, vận động thành công 35 hộ đồng bào Mông bỏ tà đạo, quay lại thực hiện phong tục truyền thống; vận động 194 hộ làm nhà theo mẫu truyền thống nhằm bảo tồn nét đẹp của dân tộc về nhà ở.
Mặc dù giành được những kết quả tích cực trên, song thực tiễn cũng chỉ rõ: Vẫn còn tồn tại tập quán lạc hậu trong hôn nhân, tang ma, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt gia đình. Điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xác định xóa bỏ hủ tục là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, phải được thực hiện kiên trì, bài bản, quyết liệt, chủ động, tích cực với biện pháp chính là tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo nên cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, con em của đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2025, 77% số gia đình trên địa bàn toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy, sự cần thiết và tích cực bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong gia đình, dòng họ. Hết năm 2023, các địa phương cơ bản xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG