Nước mắt có chức năng quan trọng với hoạt động của mắt. Mỗi lần chúng ta chớp mắt, các tuyến trong mắt sẽ tiết ra nước mắt và tạo thành một lớp màng nước mỏng có tác dụng bôi trơn bề mặt nhãn cầu, theo tạp chí Women’s Health.
Lớp màng này được cấu thành từ nước mắt, chất nhầy và dầu tự nhiên do cơ thể tiết ra. Nhờ có lớp màng này, bề mặt nhãn cầu được giữ ẩm và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, ngăn chặn bụi bẩn và các chất gây hại xâm nhập vào mắt. Cũng nhờ nước mắt mà thị giác mới có thể nhìn nhìn rõ.
Tuy nhiên, vào những ngày lạnh cuối năm, độ ẩm khô, nhiệt độ giảm mạnh và những cơn gió lạnh sẽ làm lớp nước mắt này bị bốc hơi một phần. Hệ quả là gây khô mắt.
Khô mắt đặc trưng với các triệu chứng như cảm giác bỏng rát trong mắt, mỏi mắt, đỏ mắt và có cảm giác như có thứ gì đó làm cộm trong mắt. Để bù đắp cho màng nước mắt bị mất, các tuyến trong mắt sẽ tiết ra nhiều nước mắt hơn. Lượng nước mắt này nhiều đến mức có thể khiến chúng chảy ra ngoài.
Khô mắt sẽ khiến thị lực bị ảnh hưởng, nhìn mờ và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tình trạng này nếu kéo dài và không được điều trị không chỉ gây nhiễm trùng mà còn dẫn đến loét giác mạc, hình thành sẹo và suy giảm thị lực nghiêm trọng.
Để ngăn ngừa khô mắt, các chuyên gia khuyến cáo nên mang kính khi ra đường vào những ngày nhiều gió, uống nhiều nước để ngăn cơ thể mất nước và dùng máy tạo độ ẩm trong nhà. Nước mắt nhân tạo và một số loại thuốc nhỏ mắt có công dụng giảm khô mắt cực kỳ hiệu quả.
Chớp mắt thường xuyên cũng rất quan trọng để giảm và ngăn ngừa khô mắt. Vì mỗi lần chớp mắt, tuyến lệ sẽ tiết nước mắt để bù đắp lượng nước mắt đã bốc hơi do gió và không khí khô lạnh.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Vitamin A, D và axit béo omega-3 là 3 dưỡng chất được khoa học chứng minh có tác dụng ngăn ngừa khô mắt. Các món giàu vitamin A là cà rốt, khoai lang, gan bò, rau bina và bông cải xanh. Món giàu axit béo omega-3 là trái bơ, quả óc chó và cá béo. Cơ thể sẽ tự tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mắt trời, theo Women’s Health.