Sau 4 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản (SSEAYP) mới chính thức quay trở lại.
Đúng lúc vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Ireland, Trịnh Thủy Ngân (SN 1998, Bình Thuận) nộp đơn ứng tuyển và được chọn làm một trong 11 đại biểu thanh niên của Việt Nam năm nay (VPY47). Với Thủy Ngân, đây là một hành trình dài với nhiều cung bậc cảm xúc.
Khi còn là sinh viên Đại học Ngoại thương TPHCM, Ngân từng mơ ước trở thành một mảnh ghép của SSEAYP. Thế nhưng, phần bị cuốn vào guồng quay học tập và hoạt động ngoại khóa, phần không đủ dũng khí vì thấy các bạn đều có thành tích “khủng”, cô không dám thử sức.
“Giây phút đó, tôi đã hình dung ra cảnh mình đứng trên boong tàu Nippon Maru, khoác trên người tà áo dài Việt Nam và tự tin giới thiệu văn hóa đất nước đến bạn bè quốc tế”, cô nhớ lại.
Năm 2020, Ngân có cơ hội biến điều ấp ủ bấy lâu thành sự thật khi vượt qua nhiều vòng thi để ghi danh trong đoàn VPY. Nhưng cuối cùng, cô vẫn “lỡ duyên” với SSEAYP vì dịch bệnh khiến kế hoạch bỗng chốc đi chệch hướng.
Mỗi đại biểu là một đại sứ văn hóa
Cuối tháng 11, Thủy Ngân sẽ cùng các bạn trẻ trong đoàn VPY47 khởi hành sang Nhật Bản để tham gia các hoạt động của SSEAYP 2023, bao gồm hoạt động ngoại giao, thảo luận nhóm, giao lưu văn hóa, trình diễn nghệ thuật. Đếm ngược tới “giờ G”, cô tập trung chuẩn bị thật tốt từ kiến thức, thể lực đến năng lượng.
Mục tiêu lớn nhất Ngân đặt ra khi tham gia chương trình là mở rộng trải nghiệm văn hóa và mạng lưới bạn bè trong khu vực.
“SSEAYP là chương trình giao lưu giữa Nhật Bản và 10 quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội quý giá để mỗi đại biểu như tôi được hòa vào nhiều nền văn hóa đa dạng trong thời gian đủ dài để thấu hiểu nhau hơn”, cô nói.
Bên cạnh đó, cô gái 25 tuổi cũng mong muốn tiếp thu kiến thức về tình hình kinh tế, xã hội, giáo dục của các nước thông qua hoạt động thảo luận nhóm, đóng góp tiếng nói của người trẻ Việt Nam vào diễn đàn chung, từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Quan trọng hơn, SSEAYP với Ngân không chỉ là trải nghiệm cá nhân, mà còn là câu chuyện lan tỏa truyền thống văn hóa, phẩm chất con người Việt Nam ra thế giới và thu hút bạn bè quốc tế đến với quê hương mình.
“Mỗi đại biểu chính là một đại sứ văn hóa của đất nước. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hết mình để đóng góp nhiều nhất có thể”, cô bày tỏ.
Đam mê “đi đây đi đó”
Từ khi là sinh viên năm nhất, Thủy Ngân đã đam mê các chương trình về ngoại giao, văn hóa, học thuật có liên quan đến tiếng Anh, có lẽ bắt nguồn từ niềm đam mê với ngôn ngữ này.
Trong những năm qua, đặc biệt là hai năm gần đây, cô gái SN 1998 có cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia và tham dự các chương trình giao lưu quốc tế.
“Có chuyến đi ngắn là 3 ngày, dài thì tận một năm. Mỗi chuyến đi đều là trải nghiệm độc nhất vô nhị và đem lại cho tôi bài học vô giá”, cô nói.
Ngân còn nhớ lần được tài trợ sang Bangkok (Thái Lan) bởi chương trình Sáng kiến Chính sách Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (Young ASEAN Leaders’ Policy Initiatives) năm 2020. Trong 5 ngày ở xứ sở chùa vàng, cô trải qua các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, thuyết trình về chủ đề giáo dục, cảm thấy tư duy được mở mang rất nhiều, cũng là lần đầu làm việc trong một nhóm đa văn hóa.
Cô gái Bình Thuận cũng có nhiều cơ hội học hỏi khi trở thành quan sát viên khu vực ASEAN tại Diễn đàn ngoại giao Youth 20 (nằm trong khuôn khổ chương trình G20 – Năm Chủ tịch Indonesia 2022); đại biểu tham gia chương trình NICE (The Network for Intercultural Competence to facilitate Entrepreneurship – Mạng lưới phát triển Năng lực Liên văn hóa để thúc đẩy Tinh thần khởi nghiệp) tại Đại học Padova (Ý) năm nay.
Gần đây nhất, trong thời gian du học Ireland, Ngân tự du lịch một mình qua 10 quốc gia và 15 thành phố châu Âu. Cô nói rằng, tất cả trải nghiệm văn hóa Đông – Tây giúp bản thân trưởng thành về nhận thức và trau dồi lòng trắc ẩn.
“Nhìn lại, không phải từng chuyến đi đều nằm trong kế hoạch của tôi để trở thành công dân toàn cầu. Chính những hành trình “thuận duyên” như vậy mới giúp định hình tư duy toàn cầu của tôi”, cô chia sẻ.
Bảng thành tích “con nhà người ta”
Tháng 9 vừa qua, Thủy Ngân hoàn thành chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Cao đẳng Dublin (UCD) – trường top 1% Ireland – với điểm luận văn tối đa A+.
Cô xếp loại toàn khóa: First Class Honour (Danh dự) – xếp hạng cao nhất theo khung điểm số của Vương quốc Anh, tương đương loại xuất sắc ở Việt Nam.
Trước đó, Ngân đạt học bổng Global Excellence Scholarship (học bổng xuất sắc toàn cầu) tại UCD. Cô cũng rời Đại học Ngoại thương TPHCM với tấm bằng xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại.
Thủy Ngân tự hào chia sẻ, cô từng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16, khi là học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận.
Vượt qua nhiều vòng tuyển chọn của trường, Ngân trở thành đại diện duy nhất đi thi và đoạt giải nhì vòng thi tuần. Lúc đó, cô kỳ vọng khá cao và nghĩ bản thân có thể làm được hơn thế, nhưng có lẽ thiếu một chút may mắn để đi tiếp.
“Ở câu hỏi cuối cùng, tôi đã bấm chuông ngay những giây ban đầu để giành quyền trả lời từ một bạn thí sinh khác vì biết chắc đáp án, nhưng chiếc chuông đã không vang lên. Nếu như thành công, kết quả có lẽ đã khác đi”, cô kể.
Dù vậy, Olympia vẫn là trải nghiệm tuyệt vời của Ngân trong suốt những năm cấp 3. Đó là bệ phóng để cô trưởng thành và bản lĩnh hơn ở các cuộc thi sau này.
“Ngay cả bây giờ, cộng đồng Olympian (thí sinh Olympia) vẫn thường xuyên kết nối và xem nhau như một gia đình. Tôi nghĩ đó là phần thưởng lớn nhất mà chương trình mang lại”, cô gái SN 1998 chia sẻ.
Mong giúp bạn trẻ Việt Nam vươn ra thế giới
Xuất thân là học sinh chuyên Anh, Thủy Ngân nuôi dưỡng niềm đam mê đặc biệt cho ngôn ngữ này từ lâu.
Thời sinh viên, cô từng chinh chiến ở nhiều cuộc thi thuyết trình, hùng biện tiếng Anh với thành tích đáng nhớ như quán quân cuộc thi Hùng biện tiếng Anh thương mại E*con – Đại học Ngoại thương cơ sở II 2019.
Ngân cũng chính là người sáng lập dự án “IELTS for Better Vietnam” với sứ mệnh nâng cao năng lực tiếng Anh và kỹ năng mềm cho người trẻ Việt Nam trong thế kỷ 21, để họ tự tin bước ra thế giới và trở thành công dân toàn cầu.
Dự án này cung cấp các khóa luyện thi chứng chỉ IELTS và tiếng Anh tổng quát chất lượng với chi phí thấp hơn thị trường, hướng đến hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp cận giáo dục tiếng Anh tại các trung tâm đắt đỏ.
Song song với đó, một phần học phí mà học viên đóng góp được trích ra để tổ chức các hoạt động giáo dục phi lợi nhuận, điển hình là chuỗi workshop kỹ năng mềm “Queriosity” đào tạo về kỹ năng tranh biện và tư duy phản biện; chuỗi talkshow “English with Culture” (tiếng Anh với văn hóa) để kết nối với các du học sinh nước ngoài trong thời gian đóng cửa do dịch Covid-19; khóa học cộng đồng “IELTS With Debating” (IELTS với tranh biện)…
Là một người coi trọng giáo dục, Thủy Ngân mong rằng, thông qua dự án của mình, cô có thể góp phần hiện thực hóa Mục tiêu số 4 – Giáo dục chất lượng (Quality Education) trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
“Trong tương lai, tôi mong đóng góp tất cả trí tuệ và quỹ thời gian của mình cho hoạt động giáo dục và trao quyền cho người trẻ”, cô chia sẻ.
Ngoài giáo viên, mọi người có thể thấy Ngân xuất hiện với nhiều vai trò khác nhau như phiên dịch viên, diễn giả, MC, quản lý dự án hay nhà hoạt động trẻ… vì cô vốn dĩ đam mê nhiều thứ và không muốn giới hạn mình trong một lĩnh vực chuyên môn quá hẹp.
Thông qua trải nghiệm của bản thân suốt thời học sinh, sinh viên và làm nghề, Thủy Ngân mong muốn lan tỏa thông điệp đến các bạn trẻ: “Hãy dấn thân và đừng sợ hãi. Những điều đẹp đẽ nhất đang chờ bạn ở phía bên kia đường chân trời”.