Hy Lạp đã nhiều lần yêu cầu Bảo tàng Anh ở London trả lại vĩnh viễn các tác phẩm điêu khắc ra đời vào thế kỷ 5 trước Công nguyên, được gọi chung là “Parthenon Marbles” (các tác phẩm cẩm thạch Parthenon) hay “Parthenon Sculptures” (tượng điêu khắc Parthenon). Một nhà ngoại giao Anh, Bá tước Elgin, đã tự ý lấy số tác phẩm này từ đền Parthenon cũng như khu vực thành cổ (Acropolis) ở thủ đô Athens của Hy Lạp vào đầu thế kỷ 19, khi ông là đại sứ tại Đế chế Ottoman.
“Tôi bày tỏ sự khó chịu khi Thủ tướng Anh hủy bỏ cuộc gặp của chúng tôi chỉ vài giờ trước khi sự kiện này diễn ra theo kế hoạch”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Mitsotakis cho biết trong một tuyên bố.
Ông nói: “Quan điểm của Hy Lạp về vấn đề các tác phẩm điêu khắc đền Parthenon đều được nhiều người biết đến. Tôi đã hy vọng có cơ hội thảo luận về chúng với người đồng cấp Anh. Bất cứ ai tin vào sự đúng đắn và công bằng trong quan điểm của mình thì không bao giờ sợ phải đối mặt với những tranh luận”.
Chính phủ Hy Lạp đang thảo luận với Chủ tịch Bảo tàng Anh George Osborne về một hợp đồng cho mượn các tác phẩm điêu khắc, vốn là nguồn gốc tranh chấp giữa hai nước trong nhiều thế kỷ.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hôm 26.11, ông Mitsotakis phàn nàn rằng quá trình đàm phán về khả năng trả lại các tác phẩm điêu khắc cho Athens đã không tiến triển nhanh như kỳ vọng.
Ông nói việc các tác phẩm điêu khắc tiếp tục hiện diện tại Bảo tàng Anh giống như cắt đôi bức tranh “Mona Lisa”, và vấn đề không phải là quyền sở hữu mà là “quy về một mối”.
Một quan chức chính phủ Anh cho biết tranh chấp cổ vật khiến việc tổ chức cuộc gặp giữa hai thủ tướng trở nên không phù hợp. Trước đó, người phát ngôn của Thủ tướng Sunak cho biết họ không có kế hoạch trả lại các tác phẩm điêu khắc thời Hy Lạp cổ đại.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Mitsotakis, Số 10 Phố Downing cho biết mối quan hệ giữa Anh và Hy Lạp “cực kỳ quan trọng” và hai nước cần hợp tác với nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu như tình trạng di cư bất hợp pháp.
Văn phòng ông Sunak cho hay Phó thủ tướng Anh Oliver Dowden đã sẵn sàng gặp ông Mitsotakis để thảo luận về những vấn đề này.
“Hãy để ông ấy về quê”: đảo Phục sinh muốn Anh trả tượng thần đã chiếm đoạt thời thực dân
Chính phủ Anh luôn bác bỏ việc từ bỏ quyền sở hữu các tác phẩm điêu khắc, bao gồm khoảng một nửa bức phù điêu dài 160 mét trang trí đền Parthenon, và nói rằng chúng được mua một cách hợp pháp.
Một đạo luật cấm Bảo tàng Anh đưa các hiện vật ra khỏi bộ sưu tập ngoại trừ một số trường hợp nhất định, nhưng luật không cấm việc cho mượn.
Cuộc gặp giữa ông Mitsotakis và lãnh đạo phe đối lập Anh Keir Starmer đã diễn ra vào ngày 27.11 theo kế hoạch. Tờ Financial Times tuần trước đưa tin rằng ông Starmer sẽ không ngăn cản một hợp đồng cho mượn “được hai bên chấp nhận” đối với các tác phẩm điêu khắc.