Nguồn tin Reuters hôm nay (21.11) cho biết một số nhà đầu tư vào OpenAI đang làm việc với đội ngũ pháp lý để xem xét các lựa chọn nhắm vào hội đồng quản trị gồm 4 thành viên của công ty này.
Thông tin được đưa ra sau việc ông Sam Altman bất ngờ bị hội đồng quản trị OpenAI cách chức CEO, khiến nhiều nhân viên và nhà nghiên cứu đồng loạt nghỉ việc.
Theo các nguồn tin, các nhà đầu tư đang cân nhắc các lựa chọn sau khi trao đổi với các cố vấn pháp lý. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu những người này này có kiện OpenAI hay không.
Nhiều người trước đó đã tỏ rõ sự lo lắng rằng họ có thể mất hàng trăm triệu USD cho các khoản đầu tư vào OpenAI, vốn đang được xem viên ngọc quý trong lĩnh vực phát triển AI. OpenAI là công ty sở hữu phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT.
Phía công ty không phản hồi yêu cầu bình luận. Theo dữ liệu từ trang Semafor, tập đoàn Microsoft nắm giữ 49% cố phần OpenAI, trong khi các nhà đầu tư và nhân viên khác kiểm soát 49%. 2% còn lại thuộc công ty mẹ của OpenAI, vốn hoạt động phi lợi nhuận.
Ở các công ty khác, nhà đầu tư mạo hiểm thường giữ ghế trong hội đồng quản trị hoặc quyền biểu quyết trong các danh mục đầu tư. Tuy nhiên, OpenAI được kiểm soát bởi công ty mẹ phi lợi nhuận OpenAI Nonprofit, được tạo ra để mang lại lợi ích cho “nhân loại, không phải các nhà đầu tư”.
Rắc rối chưa dứt ở OpenAI
Do đó, nhân viên có nhiều đòn bẩy hơn trong việc gây áp lực lên hội đồng quản trị so với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Hội đồng phi lợi nhuận có nghĩa vụ pháp lý đối với các tổ chức mà họ giám sát. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những nghĩa vụ đó đã để lại nhiều khoảng trống cho các quyết định của lãnh đạo.
Giáo sư luật Paul Weitzel tại Đại học Nebraska (Mỹ) cho biết ngay cả khi các nhà đầu tư tìm ra cách khởi kiện OpenAI, họ sẽ vẫn rơi vào thế yếu. Lý do là vì công ty có toàn quyền theo luật để đưa ra các quyết định kinh doanh.