Đã ban hành đầy đủ hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện
Chia sẻ với Lao Động, ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư của Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025; nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu QMTQG giai đoạn 2021-2025 giao (Chương trình), đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của trung ương đã được ban hành đầy đủ.
Các bộ, ngành trung ương đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 125 văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, tạo cơ sở pháp lý để chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện. Căn cứ các văn bản pháp lý và hướng dẫn thực hiện của Trung ương, các địa phương đã tập trung hoàn thành các văn bản trình Hội đồng nhân dân, UBND ban hành các văn bản để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định của Trung ương và triển khai các nội dung của Chương trình.
“Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế”, ông Ngô Trường Sơn thông tin.
Thông tin từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống, đến nay, cả nước có 6.043 trên tổng 8.167 xã (74%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,6% so với cuối năm 2020, đạt khoảng 92,3% so với kế hoạch phấn đấu đến năm 2025), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM; 1.528 xã (25,3%) đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 20,1% so với cuối năm 2020, đạt khoảng 58% so với kế hoạch phấn đấu đến năm 2025) và 230 xã (3,8%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Có 265/644 đơn vị cấp huyện (41,1%) thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
“Ước thực hiện đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 78% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành kế hoạch được giao); khoảng 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hoàn thành kế hoạch được giao”, ông Ngô Trường Sơn cho hay.
Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh
Cũng theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, để định hướng chỉ đạo triển khai công tác truyền thông đúng trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; thống nhất nhận thức và thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT đã ban hành Chương trình Truyền thông phục vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, truyền thông đã được đẩy mạnh thực hiện như: Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền về xây dựng NTM và Chương trình OCOP, truyền tải các thông điệp về phát triển bền vững, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn…
Tại các địa phương, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được các cấp, các ngành quan tâm với nhiều hình thức đa dạng thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội, các phương tiện pano, áp phích, tờ rơi, các hội thi, hội diễn… qua đó phát huy tốt hiệu quả trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện Chương trình và điều hành công việc; góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng nội dung thực hiện Chương trình.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quan tâm, tích cực hưởng ứng của người dân thực hiện Chương trình. Ban Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh/thành và các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp ở các địa phương đã chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn với các nội dung chuyên đề phù hợp với từng địa phương, đối tượng, từng tiêu chí phụ trách; tập trung nêu cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, chủ động và tự nguyện tham gia chung sức xây dựng NTM…