Tôi 48 tuổi, vừa khám sức khỏe phát hiện sỏi túi mật, hiện không có triệu chứng. Sỏi túi mật có nguy hiểm, khi nào cần phẫu thuật lấy sỏi? Quốc Tuấn (Đồng Nai)
Trả lời:
Sỏi túi mật là những tinh thể rắn hình thành do quá trình mất cân bằng giữa cholesterol và muối mật trong dịch mật. Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ngay dưới gan, bên phải bụng vùng dưới sườn, là nơi chứa đựng và tiết dịch mật vào ruột non, hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa.
Tùy vào kích thước, vị trí của sỏi mà triệu chứng bệnh khác nhau. Trường hợp sỏi nhỏ, người bệnh chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, điều trị nội khoa. Tuy nhiên, người bệnh dùng thuốc trong thời gian dài, tỷ lệ điều trị thành công thấp, sỏi mật có khả năng tái phát nếu ngưng điều trị.
Những viên sỏi dưới 0,4-0,6 cm thường không có triệu chứng hay gây hại sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng vẫn có thể làm tắc ống túi mật hoặc lọt xuống đường mật gây tắc ống mật chủ, dẫn đến viêm đường mật hoặc viêm tụy cấp do sỏi mật.
Sỏi mật kích thước trung bình 0,6-1 cm biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Sỏi trên 0,8 cm có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm. Phẫu thuật thường được khuyến nghị cho những viên sỏi có kích thước 1,2-1,4 cm, thể tích sỏi chiếm hơn 2/3 tổng thể tích của túi mật.
Sỏi mật lớn dễ làm viêm túi mật, nhiễm khuẩn đường mật kèm theo một số triệu chứng như nôn mửa, chướng bụng, đầy hơi, sốt cao…
Sỏi túi mật không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp tính, viêm đường mật cấp tính, viêm tụy, ung thư túi mật và ung thư đường mật.
Bạn không nói rõ kích thước sỏi túi mật nên bác sĩ không thể tư vấn cụ thể cần phẫu thuật hay chưa. Thông thường, sỏi túi mật không có triệu chứng, không gây đau đớn thì người bệnh chưa cần phẫu thuật. Trường hợp sỏi di chuyển vào đường mật, chỉ định điều trị bao gồm cắt túi mật bằng phương pháp mổ hở hoặc phẫu thuật nội soi, nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi, tán sỏi qua đường hầm kehr.
Bạn cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi hoặc can thiệp kịp thời phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, bạn nên có lối sống lành mạnh, dinh dưỡng cân đối, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước, tập thể dục thể thao 150 phút mỗi tuần giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ sỏi mật hình thành và tiến triển.
ThS.BS Trần Hữu Duy
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |