Công ty 1 người và những hoài bão lớn

Xuất phát từ mong muốn giúp nhiều doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế, năm 2012, doanh nhân 8x Bùi Quang Cường quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet.

“iViet có nhiều ý nghĩa. Trước hết, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp “I am Vietnamese  – Tôi là người Việt Nam”. Cùng với đó, chữ “i” còn hàm ý Internet, Intelligence – sự thông minh, Impact – tạo tác động, và xa hơn là Inspire – truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp trẻ khác”, Giám đốc Bùi Quang Cường cắt nghĩa tên gọi của công ty.

anh cuong 2.jpg

Ông Bùi Quang Cường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet.

Khởi nghiệp với hoài bão lớn, nhưng thực tế lại không như là mơ. “Ngày thành lập trên giấy phép kinh doanh là 15/2, công ty bắt đầu hoạt động ngày 25/2. Tháng 2 chỉ có 28 ngày, 3 ngày cuối tháng lại rơi vào cuối tuần, chưa xuất được hóa đơn nào, chúng tôi ngây ngô nghĩ rằng chẳng cần báo cáo thuế. Nào ngờ ngay tháng sau nhận luôn trát chậm nộp báo cáo thuế và phải nộp phạt”, ông Cường vừa cười vừa nhớ lại “cái tát đầu đời” với iViet.

Những ngày đầu, công ty chỉ có duy nhất 1 người, không có văn phòng, cũng chẳng có nhân viên, “căn cứ địa” thường xuyên của Giám đốc iViet là Thư viện Hà Nội.

“May mắn, qua người quen giới thiệu, tôi sớm có ngay hợp đồng với một số khách hàng khá lớn ngay trong năm 2012. Khách hàng đầu tiên là một công ty thời trang có tên tuổi ở thị trường trong nước. Khi ký hợp đồng, bên khách hàng phải qua rất nhiều cấp duyệt, từ nhân viên tới trưởng phòng rồi giám đốc, còn về phía iViet thì một mình tôi ký nháy nhiều bước luôn”, ông Cường kể tiếp.

Với kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm từng làm truyền thông cho một tập đoàn lớn trước khi tách ra lập công ty riêng, ông Cường cùng cộng tác viên đã hỗ trợ khách hàng triển khai suôn sẻ một số chiến dịch truyền thông tổng thể, từ việc tư vấn kênh truyền thông, lên bài ở báo nào, chạy quảng cáo trên những mạng xã hội nào… phù hợp với “túi tiền”. Dần dần, cái tên iViet được nhiều người biết tới.

Giống như đa phần doanh nghiệp khởi nghiệp khác, iViet cũng nhiều lần vấp váp, đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Có thời điểm đang “lên như diều gặp gió”, vào giai đoạn tăng trưởng nóng, bỗng dưng cả loạt khách hàng rời bỏ vì không hài lòng, cộng thêm khủng hoảng nhân sự khi nhiều nhân viên rời đi, iViet quay gần về vạch xuất phát. Giám đốc Bùi Quang Cường từng trăn trở hay là quay lại mô hình công ty 1 người như cũ cho nhẹ đầu.

Nhưng rồi, những người còn bám trụ đã cùng nhau ngồi lại tìm hiểu nguyên nhân cũng như kiếm giải pháp tháo gỡ. Mọi chuyện lại ổn dần.

anh 6.jpg

Đại diện của iViet tại một buổi tập huấn truyền thông báo chí.

Sau chặng đường phát triển hơn một thập kỷ, giờ đây iViet cung cấp khá nhiều dịch vụ từ truyền thông – báo chí, tư vấn thương hiệu, đào tạo marketing và thương mại điện tử… nhằm giúp doanh nghiệp Việt có thể bán sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Đội ngũ chuyên gia của iViet gồm cả người Việt và người nước ngoài.

iViet hiện có hơn 500 khách hàng, gồm cả một số bộ, ngành và doanh nghiệp lớn… Riêng về mảng đào tạo, đã có hơn 20.000 học viên từng tham gia các chương trình đào tạo do iViet triển khai tại khoảng 40 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Đáng chú ý, với đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm “thực chiến”, iViet còn là thành viên tích cực của nhiều dự án quốc tế triển khai tại Việt Nam. Chẳng hạn, Dự án ISEE COVID của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội kinh doanh trên thương mại điện tử; Dự án “IIRV – Việt Nam sẵn sàng cho đầu tư tác động” do Canada tài trợ giúp các doanh nghiệp tạo tác động xã hội để gọi vốn từ nước ngoài…

Ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp nhỏ/siêu nhỏ cũng có thể xuất khẩu

Nhiều năm đồng hành với doanh nghiệp Việt, Giám đốc iViet cảm nhận rất rõ sự thay đổi trong môi trường kinh doanh: Trước kia, xuất khẩu chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp rất lớn, nhưng bây giờ, kể cả doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cũng xuất khẩu được hàng qua các nền tảng số như Alibaba, Amazon…

anh 5.jpg

iViet được chọn là 1 trong 10 đối tác tiềm năng nhất của Google tại Việt Nam.

Một trong những nội dung tư vấn trọng tâm của iViet đối với các doanh nghiệp Việt là ứng dụng công nghệ số để lan tỏa thương hiệu và sản phẩm, tăng hiệu quả kinh doanh. Nội dung công nghệ nhiều khi chiếm tới 60 – 70% tổng lượng nội dung tư vấn.

“Có một thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ lúc đầu chỉ tập trung kinh doanh trong nước, sau khi nghe iViet tư vấn, dành thời gian nghiên cứu thị trường, thay đổi mẫu mã, sản phẩm cho phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường ngoại, thì đã có những lô hàng xuất khẩu”, ông Cường dẫn chứng.

Từng nhận sự hỗ trợ của iViet thông qua dự án ISEE COVID, tổ nghề sản xuất chè hữu cơ của chị Phương (Thái Nguyên) đã tăng 300% doanh thu sau 2 tháng đưa sản phẩm lên 2 nền tảng TikTok Shop và Facebook thay vì bán hàng theo hình thức truyền thống trước đó.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại Liên Minh Xanh cũng cho hay: “Sau khi được iViet tư vấn, đào tạo, chúng tôi cải thiện rất nhiều từ hình ảnh bao bì sản phẩm gắn liền với câu chuyện doanh nghiệp, thương hiệu của chúng tôi được hiển thị nhiều hơn trên các nền tảng Facebook, Google Map, TikTok, vì thế đã tăng 80% doanh thu so với các tháng trước đó”.

Bà Vương Thị Thương, chủ cơ sở sản xuất Hồng Treo Gió Toàn Thương (Lạng Sơn) chia sẻ: “Khi được tham gia chương trình hỗ trợ tư vấn, đào tạo, chúng tôi như một cánh diều sắp sửa rơi xuống đất thì được iViet nâng lên”. Thời gian tới, cơ sở sản xuất này sẽ áp dụng những kiến thức được học vào tất cả sản phẩm của mình và trau dồi nhiều hơn để thiết kế bao bì sản phẩm bắt mắt hơn, thuần thục cách quay dựng video, chụp ảnh, ứng dụng Chat GPT, xây dựng kênh bán hàng và các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiktok.

“Có một thực tế là các nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm Việt ra nước ngoài vẫn chủ yếu là nền tảng ngoại. Dù rất muốn tư vấn cho doanh nghiệp Việt sử dụng giải pháp công nghệ Việt nhưng khi đa phần khách hàng của doanh nghiệp thường xuyên hoạt động trên Facebook, Tik Tok, Amazon, Alibaba.. thì chúng tôi vẫn phải tư vấn họ đưa hàng Việt lên những nền tảng đấy để có thể bán được hàng nhiều hơn”, ông Cường lưu ý.

anh 4.jpg

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia Dự án ISEE COVID của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã được iViet tư vấn đưa hàng Việt ra nước ngoài.

Gần đây, Chính phủ khuyến khích phát triển các nền tảng “Make in Vietnam”, một số doanh nghiệp trong nước đã tự tin hơn trong việc mở các sàn thương mại điện tử hỗ trợ hàng Việt xuất khẩu.

Song Giám đốc iViet thẳng thắn nhìn nhận, tỷ trọng đóng góp vào hoạt động hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt của các nền tảng “Make in Vietnam” vẫn chưa lớn. Bên cạnh việc còn thua kém công nghệ so với các “ông lớn” quốc tế thì các nền tảng số Việt còn “lép vế” hơn trên “cuộc đua” đầu tư tài chính. Thực tế, phải sau 20 năm Amazon mới báo cáo lãi, Alibaba thì mất khoảng 15 năm. Liệu doanh nghiệp vận hành nền tảng số Việt có trụ được đến thời điểm có lãi không vẫn là câu chuyện dài.

Giám đốc iViet cũng chỉ rõ một số điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt khi ứng dụng công nghệ đưa hàng ra thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ nghĩ công nghệ là cái gì đó rất “hoành tráng”, tốn kém, nên sợ công nghệ, không dám dùng. Không ít doanh nghiệp lớn hơn thì mạnh dạn đầu tư công nghệ nhưng vấp sai lầm khi cho rằng chỉ cần bỏ tiền mua phần mềm là có thể thành công, trong khi yếu tố quyết định hiệu quả của hoạt động ứng dụng công nghệ lại nằm ở đội ngũ nhân sự triển khai ứng dụng công nghệ. Có doanh nghiệp đầu tư công nghệ theo kiểu mua cái áo quá rộng, rồi cảm thấy lãng phí không cần thiết. Lại có doanh nghiệp tiết kiệm chi tiêu, mua dần từng phần mềm riêng lẻ, sau không tích hợp được với nhau. “Mặc áo” quá rộng hay quá chật đều không tốt.

Những lỗi cơ bản của doanh nghiệp Việt khi bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới gồm: Không quan tâm đúng mức tới chuyện đăng ký bảo hộ thương hiệu; Không có nhân sự chuyên trách, triển khai các hoạt động traffic nội sàn/ngoại sàn sau khi đóng phí hoạt động trên sàn… Đặc biệt, doanh nghiệp Việt đang thiếu những câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm để tăng tính lan tỏa khi quảng bá, truyền thông.

Trong bối cảnh thị trường giải pháp truyền thông doanh nghiệp cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ưu điểm nổi bật của iViet là khả năng phối hợp nhiều công cụ để tìm ra những “lời giải” hay cho “bài toán” chinh phục thị trường quốc tế.

Giả sử doanh nghiệp muốn đưa hàng Việt sang một thị trường ở châu Mỹ, đội ngũ chuyên gia iViet nhanh chóng sử dụng kết hợp nhiều công cụ phân tích của Google, Facebook, Alibaba, Amazon, We Are Social, các công cụ AI như ChatGPT, Bing Chat, Google Bard… cùng các bản báo cáo thị trường để tìm hiểu xu hướng tiêu dùng và những số liệu cập nhật của thị trường đó để tư vấn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả.

“Rất nhiều người biết về các công cụ online có sẵn nhưng hiệu quả sử dụng đến đâu thì còn tùy vào kỹ năng sử dụng công cụ của mỗi người. iViet tự tin về đội ngũ chuyên gia có kỹ năng sử dụng nhuần nhuyễn nhiều công cụ cùng lúc”, ông Cường nhấn mạnh, đồng thời tiết lộ thêm: “Hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp Việt ra nước ngoài sẽ tiếp tục được iViet tập trung triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi đang viết một cuốn sách chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt. Hy vọng vài tháng nữa, cuốn sách sẽ hoàn thành”.

Ngồi trong nước giúp doanh nghiệp ngoại bán hàng “ở bển”

Tình cờ nghe một người bạn bên Mỹ kể rằng đang có chuỗi spa, muốn làm logo, website, fanpage…,  và đã có một đại lý truyền thông quảng cáo bên Mỹ báo giá tới 20.000 USD, Giám đốc Bùi Quang Cường nhận thấy, việc này iViet vẫn đang làm hàng ngày, có thể ngồi ngay tại Việt Nam mà vẫn có thể làm được cho người quen đó với mức giá thấp hơn.

Bản thân iViet cũng đang hỗ trợ người quen ở Canada chạy quảng cáo trên các kênh online để bán hàng ăn, thu hút được rất nhiều khách.

anh cuong 1.jpg

Giám đốc iViet mong muốn sớm có chi nhánh tại nước ngoài để hỗ trợ khách hàng ngoại.

Vì thế, ông Cường quyết định theo đuổi mô hình kinh doanh: “Người Việt Nam ngồi tại Việt Nam sử dụng công cụ online giúp doanh nghiệp ở nước ngoài phát triển sản phẩm và hoạt động kinh doanh của họ trên thị trường quốc tế”.

Mô hình này thực ra cũng không hẳn là hoàn toàn mới. Đã từng có Việt kiều Mỹ giúp các tiệm nail và spa ở Mỹ, Canada tiếp cận khách hàng Mỹ, Canada. Nhiều người trẻ ở Việt Nam cũng từng ngồi tại Việt Nam nhập hàng từ quốc gia này bán sang quốc gia khác.

“Với sự thông minh của người Việt Nam, tôi tin rằng hướng đi mới hoàn toàn khả thi’, ông Cường nhận định.

Về dự tính đường dài, Giám đốc iViet bày tỏ mong muốn “sẽ sớm có chi nhánh tại nước ngoài để hỗ trợ khách hàng ngoại. Mỹ, Canada sẽ là những thị trường rất tiềm năng. Tương tự như hoạt động xuất khẩu phần mềm, lúc đầu chỉ cần 1 nhân viên phụ trách kết nối, trao đổi thông tin với khách hàng ở quốc gia khác, sau khi tệp khách hàng ngoại ở quốc gia đó phát triển lên quy mô lớn thì mở chi nhánh để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng”.

“Kim chỉ nam” của Giám đốc Bùi Quang Cường và đội ngũ iViet từ ngày đầu tới giờ luôn là: “Không sợ những việc mình chưa biết làm. Quan trọng là mình dám làm, tự tin mình sẽ làm được. Khi có động lực đủ lớn sẽ tìm đủ mọi cách để làm”.

Vietnamnet.vn