Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó sẽ bàn cơ chế riêng để TP Hà Nội phát triển đột phá.
Trong báo cáo tiếp thu, giải trình về dự án Luật, Bộ Tư pháp (cơ quan soạn thảo) cho biết có ý kiến đánh giá dự thảo chưa thể hiện được chính sách đặc thù nhằm phát huy vai trò của mô hình chính quyền thành phố thuộc Thành phố.
Theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hà Nội dự kiến sẽ hình thành hai thành phố trực thuộc. Thành phố phía Bắc là Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh và thành phố phía Tây – Xuân Mai, Hòa Lạc. Để tạo cơ sở pháp lý bước đầu, dự thảo Luật quy định phân một số quyền của HĐND, UBND TP Hà Nội cho HĐND, UBND thành phố phía Bắc và phía Tây.
Cụ thể, UBND, HĐND của hai thành phố mới sẽ được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù trực thuộc; điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác. Thành phố mới cũng được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý và tuyển dụng công chức cho các cơ quan.
Dự thảo Luật quy định hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô được hưởng một số ưu đãi cao hơn so với hiện hành. Trong đó, thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ trọng điểm của Thủ đô, vùng Thủ đô không chịu thuế thu nhập cá nhân. Để tránh việc lạm dụng, có đại biểu đề nghị xác định cụ thể điều kiện áp dụng cơ chế ưu đãi này.
Bộ Tư pháp cho rằng quy định tại dự thảo Luật nhằm tạo đột phá, tháo gỡ các ách tắc về cơ chế quản lý khoa học theo hướng áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm; cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
Đây được xem là giải pháp quan trọng, nổi trội tạo cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết để thực hiện mục tiêu thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao thành lập các trung
tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thời hạn sở hữu nhà chung cư xây dựng lại hoặc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng lại nhà chung cư; nghiên cứu biện pháp mạnh nhằm cải tạo, xây dựng lại cả khu chung cư, nhà ở riêng lẻ không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết sẽ tiếp tục bám sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở để có thể giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với Hà Nội. Nếu nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì mới quy định tại Luật Thủ đô.
Một số đại biểu băn khoăn về quy định cắt điện, nước công trình vi phạm do
ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ, tránh tùy tiện và lạm dụng trong áp dụng pháp luật.
Theo Bộ Tư pháp, việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đủ mạnh (cắt điện, cắt nước) sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm; bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, an toàn xã hội và tác động tích cực đến cải thiện môi trường và thu hút đầu tư. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát bảo đảm thủ tục áp dụng chặt chẽ, khả thi.
Sáng 27/11, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở sửa đổi. Sau đó, đại biểu thảo luận hội trường báo cáo của Chính phủ về Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Buổi chiều, các đại biểu bấm nút thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lưu trữ sửa đổi.