Vi phạm ở nhiều địa phương
Đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) Bộ Công an cho biết, thực trạng khai thác khoáng sản trái phép hiện diễn biến phức tạp, tập trung ở hoạt động khai thác than, đất, cát, đá và kim loại. Năm 2022, công an toàn quốc đã phát hiện 3.738 vụ vi phạm pháp luật liên quan hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi kinh doanh khoáng sản; qua đó xử phạt hơn 78 tỉ đồng và khởi tố 46 vụ về các hành vi trốn thuế, vi phạm quy định khai thác tài nguyên.
Trong hoạt động khai thác cát, đại diện C05 cho hay, ngoài vi phạm khai thác “chui”, khai thác những khu vực không được cấp phép thì vẫn còn tình trạng các mỏ có giấy phép vi phạm. Ví dụ, đơn vị khai thác lợi dụng địa hình sông nước để khai thác vượt số lượng, vượt công suất, vượt độ sâu cho phép hoặc không thả phao cắm mốc khu vực khai thác như trên sông Hồng, đoạn giáp ranh giữa Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông có thuyên giảm, song khai thác trái phép cát biển đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng tàu có khối lượng lớn để khai thác cát trái phép, sau đó hợp thức hóa nguồn gốc và vận chuyển đi bán cho các công trình, dự án tại TP.HCM và Hải Phòng.
Một số địa phương có tình trạng cấp phép khai thác đá tràn lan, một khu vực nhưng cấp nhiều giấy phép cho nhiều doanh nghiệp, dẫn đến việc không đủ điều kiện áp dụng công nghệ khai thác quy mô lớn, khai thác không đúng thiết kế mỏ. Việc này ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động khai thác khoáng sản, môi trường và gây mất an toàn lao động.
Những vi phạm này ngay cả những mỏ lớn được Bộ TN-MT cấp phép cũng xảy ra tình trạng tương tự; như tại Công ty TNHH Duyên Hà khai thác mỏ đá vôi không có hành lang an toàn trong khai thác mỏ, nhiều lần gây sạt lở làm vùi lấp rừng phòng hộ, tác động xấu đến môi trường và đời sống người dân. Đặc biệt, một số mỏ đá còn khai thác vượt công suất cấp phép hàng triệu tấn mỗi năm để sản xuất xi măng, thu lời trái quy định.
Trong hoạt động khai thác đất, thời gian gần đây, nhu cầu xây dựng, san lấp tăng cao nên tình trạng khai thác đất diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa phương. Vì lợi nhuận, các đối tượng lợi dụng sự buông lỏng quản lý để khai thác đất trái phép ở những nơi xa khu dân cư; lợi dụng các dự án để khai thác đất, quặng nghèo bán cho các nhà máy xi măng làm chất phụ gia, bán cho nhà máy gạch để hưởng lợi bất chính mà không xin cấp phép khai thác theo quy định.
Hoạt động khai thác than cũng còn nhiều vi phạm. Nhiều mỏ không chấp hành đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường, dùng giấy phép không đúng. Các đối tượng còn lợi dụng chính sách để kéo dài thời gian khai thác, tập kết trái phép, gây thất thoát tài nguyên và gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Làm rõ trách nhiệm người quản lý
Để tránh “chảy máu” tài nguyên, thất thoát ngân sách, đại diện C05 cho biết thường xuyên theo dõi, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung những bất cập, hạn chế trong những văn bản pháp luật liên quan hoạt động khai thác khoáng sản cho phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, C05 đã tham mưu Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương chủ động lên kế hoạch, trong đó căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng mà phân công, phân cấp nhiệm vụ cụ thể. Chỉ đạo tăng cường rà soát, xác định các tuyến phức tạp về hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh khoáng sản để điều tra theo đúng phân công, phân cấp.
Những cơ sở sửa chữa, đóng tàu, người quản lý bến bãi, các dự án dùng khoáng sản… cũng phải được điều tra cơ bản để từ đó phân loại, có phương án quản lý. Trưởng công an cấp cơ sở và người có liên quan trong thực hiện quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng an ninh, trật tự thì phải làm rõ trách nhiệm để có biện pháp xử lý.