Ngoài các đợt thanh tra của NHNN còn có các tổ giám sát SCB nhưng những sai phạm nghiêm trọng tại nhà băng này không được đưa ra xử lý.
Sau khi SCB hợp nhất vào năm 2012, quá trình hoạt động của SCB thực hiện theo các quy định, quy chế giám sát tăng cường của NHNN theo 7 quyết định tương ứng từng giai đoạn. Quá trình điều tra của cơ quan công an xác định, các sai phạm tại SCB thông qua việc Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống các hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng cho mục đích cá nhân, trả nợ các khoản vay cũ nhằm che giấu thực trạng tín dụng xấu, rủi ro cao của SCB chủ yếu diễn ra trong giai đoạn từ tháng 3.2016 đến tháng 10.2022, tổng số tiền giải ngân gần 1,489 triệu tỉ đồng. Tính đến ngày 17.10.2022 còn dư nợ 979 khoản vay của 627 khách hàng thuộc nhóm Trương Mỹ Lan với tổng dư nợ hơn 600.627 tỉ đồng (dư nợ gốc hơn 450.444 tỉ đồng, lãi hơn 150.182 tỉ đồng). Hoạt động tín dụng của nhóm Trương Mỹ Lan trong giai đoạn này có sự giám sát của 4 tổ giám sát và giám sát tăng cường của NHNN, các cá nhân liên quan thẩm định kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 – 2019, đoàn thanh tra SCB năm 2022.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 1 triệu tỉ đồng rút từ SCB đã đi đâu?
Trong quá trình giám sát từ năm 2016 đến tháng 9.2022, Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được lãnh đạo TTGS NHNN Chi nhánh TP.HCM (cơ quan được NHNN giao chủ trì công tác giám sát) chấp thuận vì nhiều lý do khác nhau. Mặt khác, Nguyễn Văn Dũng (Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, nguyên Cục trưởng Cục II thuộc Cơ quan TTGS), Võ Văn Thuần (Phó Chánh TTGS NHNN chi nhánh TP.HCM, nguyên Phó Cục trưởng Cục II, phụ trách Tổ giám sát giai đoạn 2016 – 9.2020), Phan Tấn Trung (Phó Chánh TTGS NHNN chi nhánh TP.HCM, phụ trách Tổ giám sát giai đoạn tháng 9.2020 – 2022), Nguyễn Thị Phi Loan (nguyên Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGS NHNN chi nhánh TP.HCM, nguyên Phó Cục trưởng Cục II) và Nguyễn Tín (Tổ trưởng Tổ giám sát giai đoạn 2016 – 2019) với vai trò là lãnh đạo và Tổ trưởng Tổ giám sát nhưng đã có các hành vi ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của SCB lên NHNN và Cơ quan TTGS NHNN. Đồng thời không kiến nghị NHNN đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện; không kiến nghị Cơ quan TTGS NHNN thanh tra pháp nhân SCB để xử lý kịp thời các sai phạm; thu hẹp phạm vi thanh tra không đúng với đề xuất của tổ giám sát, cố ý làm trái chỉ đạo của NHNN và Cơ quan TTGS NHNN.
Trong quá trình thực hiện chỉ đạo công tác giám sát đối với SCB, các cá nhân trên đã nhận từ 470 triệu đồng đến 1,8 tỉ đồng. Cụ thể, Nguyễn Văn Dũng nhận tổng số tiền 400 triệu đồng và 15.000 USD trong giai đoạn từ năm 2012 – 2022; Võ Văn Thuần nhận tổng số 1,8 tỉ đồng; Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỉ đồng; Nguyễn Thị Phi Loan nhận 470 triệu đồng; Nguyễn Tín nhận 500 triệu đồng. 10/11 thành viên Tổ giám sát được Ngân hàng SCB đưa quà vào các dịp lễ, tết với giá trị không lớn và đã tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.
Hậu quả của các hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân đã để cho nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hoạt động vay lũy tiến từng năm, bà Lan rút tiền sử dụng cá nhân, trả nợ cho các khoản vay trước đó nhằm che giấu thực trạng hoạt động tín dụng xấu của SCB. Thiệt hại đến nay số tiền đặc biệt lớn (dư nợ của nhóm bà Lan đến 17.10.2022 là 677.286 tỉ đồng).
Tại kết luận điều tra, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm Nguyễn Văn Dũng; Võ Văn Thuần; Phan Tấn Trung; Nguyễn Tín; Nguyễn Thị Phi Loan.
Xem nhanh 20h ngày 22.11: Vụ hối lộ lớn nhất lịch sử và đường đi của 1 triệu tỉ vụ Trương Mỹ Lan