Gác lại hạnh phúc riêng tư, chị chọn cống hiến đến giây phút cuối cùng cho tờ báo mình yêu – Báo SGGP. Chị ra đi, mọi thứ dẫu dở dang thì tấm lòng chị, cái tình với tất cả vẫn đong đầy, chưa một ngày phôi pha – dù năm, dù tháng…
Chị Bùi Thạch Thảo trao quà trung thu cho học sinh Trường Tiểu học Qui Đức (Bình Chánh, TPHCM) trong chương trình Đêm hội trăng rằm“Ước mơ xanh” năm 2022 |
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC:
Thạch Thảo – một nhà báo tử tế, tài năng
Sáng nay, 26-11, đọc nhật báo SGGP hay tin Trưởng Ban Văn hoá – Văn nghệ Bùi Thạch Thảo không thể vượt qua bạo bệnh, tôi vô cùng bàng hoàng. Dù biết Thạch Thảo bệnh nặng nằm viện mấy tháng qua nhưng tin tức sáng nay vẫn làm tôi quá bất ngờ, đau xót.
Phải nói rằng, nhiều năm qua, với sự điều hành của Thạch Thảo, lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật của Báo SGGP đã thực hiện được nhiều loạt bài, vệt bài sắc bén, có chiều sâu, có hiệu ứng xã hội nhất định. Sự ra đi của Thạch Thảo là nỗi mất mát lớn lao của Báo SGGP, của gia đình và đồng nghiệp, bạn bè. Nhìn cảnh mẹ Thạch Thảo “người đầu bạc tiễn người tóc xanh” thật đớn đau. Tôi không cầm được lòng mình mà rơi nước mắt. Tôi chợt có một suy nghĩ dù đôi chút trẻ con, rằng giá như có thể chia sẻ được số năm mình sống (tôi năm nay hơn 90 tuổi) đổi lại thêm cho Thạch Thảo sống vài năm nữa thì tôi rất sẵn lòng. Bởi, một nhà báo tử tế, tài năng, yêu nghề như Thạch Thảo xứng đáng được sống đời sống dài hơn.
Chị Bùi Thạch Thảo (ở giữa) cùng các đồng nghiệp Báo SGGP trình diễn ca khúc “Khát vọng” tại Lễ trao giải Báo chí TPHCM năm 2023 |
Nhà báo PHẠM HOÀI NAM:
Nơi nào đó trên dãy Trường Sơn, chiến sĩ, đồng bào nhắc nhớ em!
Thật khó khăn khi ngồi viết những dòng kỷ niệm về em, gần 20 năm không biết bao nhiêu lần gắn bó cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chơi và cùng dấn thân cho nghề báo với em. Những ngày đầu em là cô sinh viên mới tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – Báo chí, Trường Đại học KHXH-NV – Đại học Quốc gia TPHCM đến với Báo SGGP một cách rất tự tin. Em trân quý từng dòng chữ trong các tin, bài – sản phẩm lao động nghề của mình. Một lần thấy em ngồi trên chiếc ghế sa-lon cũ phía trước phòng văn thư dưới đất, đang lật giở trang báo khoe với một người bạn cùng trường: “Báo nay đăng bài của tao này, coi đi, hay lắm đó!”. Ngước mắt lên thấy tôi đang nhìn về phía mình, em cười nói: “Sản phẩm đầu tay đó anh, nay mới đăng ạ!”. Tôi cười với em: “Để chút anh coi. Chúc mừng bé nghen!”…
Những năm đầu trở thành phóng viên chính thức của báo, làm việc tại Ban Chính trị – Xây dựng Đảng (nay là Ban Chính trị – Xã hội), tôi được làm việc chung với em. Có những lần cùng tranh luận với em về những đề tài gai góc, và cùng vác ba lô đi đến những nơi xa khó. Trong đó có những chuyến trở lại Trường Sơn viết về lịch sử con đường huyền thoại. Có chuyến ngủ lại ở Đồn Biên phòng Cha Lo, Quảng Bình để sáng sớm hôm sau qua cửa khẩu trên tuyến đường 12 đến với đất bạn Lào, tìm về các địa danh: Lằng Khằng, Pa Ta Xôn, Khăm Muộn…
Tháng 6 vừa qua, vợ chồng tôi trở lại Làng Ho, ăn bữa cơm trong gian phòng nhỏ với anh em Đồn Biên phòng Làng Ho mà em và chúng tôi đã gặp. Các anh Đồn phó, Chính trị viên, và cả anh quản lý bếp ăn, ai cũng hỏi thăm em: “Cô Thạch Thảo thích động vật, thương thú cưng không về với anh em bộ đội à…”. Chuyến trở lại Trường Sơn tháng 7 năm đó – 2022, lại là chuyến đi cuối anh đi với em.
Ở nơi nào trên dãy Trường Sơn hùng vĩ mà bước chân em đã cùng tôi đi qua, các anh Biên phòng và đồng bào các bản làng Trường Sơn đều nhắc nhớ đến em đấy, Thảo ơi!
Chị Bùi Thạch Thảo và các đồng nghiệp Báo SGGP tại Cổng Trời – trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trên đường 12 – Tây Trường Sơn, Cha Lo |
Nhà báo MAI HƯƠNG (Báo Tuổi trẻ):
Chị Thạch Thảo – sinh ra để làm Báo Sài Gòn Giải Phóng
Thời gian thoắt cái gần 20 năm trôi qua, kể từ ngày chúng tôi bước chân vào thực tập ở Báo SGGP. Đó cũng là nơi lần đầu tiên tôi gặp chị Thạch Thảo – lúc ấy cũng là cộng tác viên của ban. Bài viết đầu tiên chúng tôi làm chung là bài về xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Hai chị em đèo nhau trên chiếc xe máy, cặm cụi chờ đêm xuống để chụp cho được cảnh đèn đường thắp sáng những con đường quê trải nhựa.
So với những sinh viên tỉnh lẻ như chúng tôi, chị Thảo có một hậu phương vững vàng: bố là cán bộ quân đội có uy tín, gia đình có cơ ngơi đủ đầy ở thành phố. Ngày ấy, thiệt lòng mà nói tôi thấy chị có nhiều năng khiếu nổi trội hơn viết lách, chẳng hạn như khả năng tổ chức sự kiện, làm cán bộ phong trào, khiếu nấu ăn ngon, sự quan tâm chu đáo với tất cả mọi người.
Những năm dài làm cộng tác viên chưa biết ngày nào mới được ký hợp đồng chính thức, nhiều lúc tôi nghĩ nếu tôi là chị, tôi đã không đủ kiên nhẫn để yêu mãi tờ SGGP như thế, mà sẽ rẽ sang một con đường khác. Chị chỉ cười: “Không làm Báo SGGP thì chị nghỉ làm báo luôn em ơi!”. Nếu câu nói đó thốt ra từ một đàn chị, đàn anh đã có tên tuổi, đã thành danh ở Báo SGGP, đã gắn bó máu thịt với tờ báo thì còn có vẻ hợp lý, riêng với chị Thạch Thảo – vào giai đoạn đó, tôi chỉ có thể lý giải đó là một thứ tình cảm mang tính chấp niệm, có đôi phần cố chấp, kiểu như “tình yêu có lý lẽ riêng của nó” vậy.
Trong suốt quãng thời gian đi viết – dù không dài, cũng như thời gian chuyển sang làm quản lý của chị – chị vẫn quan tâm và say mê nhất với mảng viết về truyền thống, về quân đội, về tổ chức đảng, thanh niên xung phong, đoàn hội – những đề tài có vẻ khô khan, thiếu hấp dẫn trong mắt nhiều người. Nhưng chị đã đi, đã nghe, đã viết với tất cả tấm lòng và sự rung cảm trong sáng thật sự. Tình yêu đó, lòng say mê đó, tâm huyết đó – chị chỉ có thể làm tốt nhất, theo đuổi đến nơi đến chốn nhất – khi chị công tác ở một tờ báo Đảng – mà cụ thể đó là tờ SGGP. Riêng với tôi và có lẽ với không ít đồng nghiệp cùng trưởng thành một thời với chị, nhà báo Bùi Thạch Thảo thực sự là một nhà báo sinh ra để làm Báo SGGP.
Cảm ơn chị – Thạch Thảo – vì đã là một phần thanh xuân tươi đẹp của tụi em. Những bài hát, những tin nhắn, những kỷ niệm – xin cất riêng vào góc lòng. Nhận lời chọn viết một điều về chị, cho ngày hôm nay, với em là quá khó. Vì với chị, kỷ niệm là không thể đong đếm…
Tác giả (nhà báo Mai Hương, bìa trái), nhà báo Ái Chân và nhà báo Thạch Thảo trong một chuyến công tác |
Nhà văn VÕ THU HƯƠNG:
Mạnh mẽ như loài hoa chị mang tên
Tối qua, tôi có tham dự một chương trình, toàn bộ hoa trang trí là thạch thảo. Tôi bần thần ngắm những khóm hoa trang trí, chạnh lòng nghĩ tới chị, lại cầu nguyện, như nhiều lần trước đó. Thực ra, khi tôi nhìn thạch thảo mà nghĩ về chị, là lúc chị ra đi.
Lời cầu nguyện của tôi cũng như nhiều bè bạn người thân khác của chị không linh ứng. Chị vẫn ra đi, sau những năm tháng sống cuộc đời tinh tế, nhẹ nhàng và mạnh mẽ như loài hoa chị mang tên.
Chị Bùi Thạch Thảo trong một chuyến công tác tại Trường Sa |
Chị và tôi thường cùng chuyện trò, trao đổi bài vở cộng tác qua Facebook vì công việc chị bận rộn. Tôi gặp chị đúng hai lần. Một lần hò hẹn cà phê vội vàng trong buổi chiều gần cuối năm, một lần trong bệnh viện không dám nán lại lâu, sợ chị mệt. Cuộc trò chuyện đầu có thể tám đủ thứ về gia đình, công việc, những bạn bè, người quen chung. Cuộc trò chuyện sau nhiều khi rơi vào khoảng lặng, chỉ ngồi xoa nhẹ nhẹ lên tay chị. Đến cả cái ôm, cái nắm tay dù nghĩ tới cũng không nỡ, sợ làm chị đau. Có những người bạn thật lạ, ngay từ cuộc gặp đầu đã có thể cởi mở, sẻ chia những điều tưởng như rất riêng tư, cuộc gặp thứ hai đã có thể cảm nhận được lòng mình quặn lại khi thấy bạn đau…
Cảm ơn chị, đóa thạch thảo đẹp tươi mà em sẽ ghi giữ trong tim!
Những người làm Báo SGGP, đồng nghiệp các báo và bạn bè sẽ nhớ mãi người đồng nghiệp giỏi giang, nhân hậu |
Biên tập viên NGUYỆT HƯƠNG, Đài Truyền hình TPHCM:
Nhớ mãi người chị lớn giỏi giang, rộng lượng
Hôm nay thì em đã hiểu vì sao những tin nhắn hỏi thăm sức khoẻ em gửi đến chị đều không có hồi âm… Có lẽ, chị không muốn nói nhiều về căn bệnh của mình.
Chị Thạch Thảo ơi, con người ta không tính số lần gặp mặt để đong đo tình cảm, mà tính những yêu thương và cảm xúc đã gửi trao những lúc được đồng hành cùng nhau. Mối lương duyên của chị em mình, em ghi khắc bằng sự bảo ban, dìu dắt dịu dàng của chị. Những chuyến đi của chúng ta đều cho em cảm giác được là đứa em nhỏ có người chị lớn giỏi giang, rộng lượng chăm lo.
Đêm nay, em bàng hoàng nghe tin một người tốt đã ra đi. Em ngồi thẫn thờ, nước mắt cứ rơi. Em tự hỏi, phải chăng cuộc đời quá bất công khi cho những tâm hồn đẹp khung thời gian quá ngắn…
Dù ở bất cứ nơi nào, em tin chị sẽ luôn vui vẻ, lạc quan như chị đã từng. Chị sẽ luôn sống trong tâm trí của tất cả mọi người và đặc biệt là của những bạn nhỏ mà chị và em đều dành hết lòng mình để yêu thương.
Chị Bùi Thạch Thảo trong một chuyến công tác tại Trường Sa |
Anh MAI VIỆT HÙNG, Cựu Cán bộ Đoàn Tổng Công ty Bến Thành:
Thạch Thảo đã sống một cuộc đời ý nghĩa
Tôi quen chị Thạch Thảo trong những dịp tham gia công tác xã hội của Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM. Hình ảnh về chị là người phóng viên nhanh nhẹn, chuyên nghiệp, hòa nhã với mọi người. Gắn bó trong nhiều hoạt động đoàn, hoạt động công tác xã hội, tôi càng yêu quý chị. Chị rất hiếu thảo như cái tên của mình, luôn dành thời gian chăm sóc cho ba mẹ. Chị sống cởi mở, tử tế, dành sự yêu thương, quan tâm người khó khăn, yếu thế. Cả những con vật mà người ta vứt bỏ ngoài đường thường được chị đưa về chăm lo, yêu thương. Trong dịch Covid-19, chị hỗ trợ mọi người từ đơn thuốc, nhắc nhở việc chăm sóc sức khỏe vượt qua những khó khăn của giai đoạn ấy.
Nghe tin chị đau, phải vào viện, những người bạn chúng tôi có lòng tin mãnh liệt chị sẽ vượt qua. Ai cũng trông chờ tin ngày chị xuất viện. 1 tháng, 2 tháng rồi 3 tháng… nhưng đã không có phép màu nào xảy ra. Cơn mưa tối qua nặng hạt như tiếc thương người chị nhân hậu, sống một cuộc đời ý nghĩa.
Vĩnh biệt chị Thạch Thảo yêu quý của chúng em!
Chị HUỲNH THÙY UYÊN TRANG, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM, nguyên Bí thư Đoàn Sở Tài chính:
Người truyền lửa phong trào thanh niên
Em thương chị Thạch Thảo như một người chị lớn của biết bao lớp cán bộ Đoàn tại thành phố mình. Em thương và quý chị thật nhiều vì cái tâm, cái tình của một người cán bộ Đoàn tràn đầy nhiệt huyết, xông pha. Cái gì khó chị chỉ cách thực hiện, bày cho; cần làm gì chị hỗ trợ mà chẳng chút nề hà. Chỉ vậy thôi nhưng mỗi lần tiếp xúc, mỗi khi cùng hoạt động phong trào đoàn, hội, thanh niên là em như được tiếp thêm lửa.
Cám ơn chị vì là người dẫn dắt, người truyền lửa và là những ký ức thật đẹp trong thanh xuân của em. Mong chị an yên và không còn đau nữa… Thương chị lắm, chị ơi!
Chị Bùi Thạch Thảo (áo đỏ, ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ Đoàn các cơ sở Đoàn thuộc Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM |
Chị NGUYỄN THỊ MỸ LINH, Cựu Cán bộ Đoàn Sở Công Thương TPHCM:
Lặng thầm hỗ trợ mọi người
Thương Ù lắm Ù ơi! Có lẽ em quen chị là một cái duyên với tư cách là cán bộ Đoàn. Ấn tượng ban đầu em gặp chị có cảm giác khó gần, thẳng tính. Nhưng càng nói chuyện, càng tiếp xúc mới biết rằng không phải thế. Chị rất nhiệt tình, quan tâm đến mấy đứa em, và là người hay đưa nhiều tin nóng cho phong trào đoàn, thanh niên. Hội Kuabom mình thành lập từ đó. 8 thành viên từ 8 cơ sở Đoàn khác nhau, kéo dài đến nay cũng được 9 năm. Mỗi lần gặp nhau là chuyện trò, tâm sự…
Nhưng sao cái hẹn kỷ niệm 10 năm lại bị gián đoạn bởi đêm mưa hôm qua. Nhận được tin dữ của chị, chúng em thẫn thờ. Cách đây một tháng, chị còn hứa với em và bạn Gà sẽ gặp nhau ở Gò Vấp cơ mà? Cái hẹn vẫn còn đó, nhưng không còn chị tham gia nữa.
Em nhớ lần đi tổ chức trung thu cho mấy em nhỏ, hai chị em mình khá vất vả để tìm được một ngôi trường trường tiểu học ở rất xa. Em nhớ cả chuyến đi Tây Bắc cùng chị với Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM năm nào. Đợt dịch vừa qua, khi nghe tin người nhà em bệnh, chị nhắn em chạy lên lấy thuốc mang về. Chị và em ít khi tâm sự chuyện riêng với nhau, nhưng em vô tình biết là trước ngày em lấy chồng, chị có nhắn gửi đến chồng em hãy chăm sóc em thật tốt. Rất nhiều lần, khi em có chuyện, cứ “ới” là chị luôn có mặt giúp đỡ. Em biết có nhiều chuyện chị làm cho mọi người lắm, nhưng không hề nói ra.
Viết cho chị những dòng này, nước mắt em lại rơi. Em không thể tin rằng, chị đã xa em thật rồi. Cám ơn chị vì đã là một phần thanh xuân của chúng em!
Chị Bùi Thạch Thảo cùng cán bộ Đoàn các cơ sở Đoàn thuộc Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM tham gia Hành trình Thành phố tôi yêu năm 2017 |
NGUYỄN THANH MAI, Phóng viên tập sự Báo SGGP:
“Mai ơi bữa nay viết ổn rồi đấy! Ngắn gọn, tình cảm, sát với đời thực vậy tốt rồi. Chị sửa lại xíu thôi”.
Lời khích lệ tưởng chừng đơn giản ấy nhưng lại trở thành động lực to lớn cho sinh viên mới ra trường ngày nào bám trụ lại TPHCM để được làm nghề, được viết, được cống hiến. Một người trẻ, ít kinh nghiệm làm nghề, tưởng chừng sẽ nhiều gặp khó khăn và thử thách nhưng với em khi đó, mọi thứ dường như nhẹ nhàng hơn khi có chị. Chưa bao giờ lớn tiếng với các em, chị cần mẫn chỉ bảo, uốn từng câu chữ cho sắc bén và gãy gọn. Nhìn vào đó mà em như cứng cáp hơn sau từng bài viết.
Chị truyền lửa cho các em đam mê với nghề, chỉ bảo cho em cách làm nghề thật tử tế và hơn cả một người chị, hơn cả một người cấp trên. Chị là trái tim của cả ban, là nơi ấm áp nhất để mỗi khi vui buồn, các em chỉ muốn trở về cạnh bên chị mà không phải bất cứ một nơi nào khác.
Chị Bùi Thạch Thảo chia sẻ với các phóng viên trẻ Báo SGGP về nghiệp vụ báo chí |
Ngày mới vào nghề, em từng ngô nghê bảo chị “Chị ơi, phụ nữ mà làm nghề này thật là vất vả chị nhỉ. Để thoả đam mê và cống hiến được, đổi lại đôi khi sẽ là cô đơn và nhiều thiệt thòi”… Chị cười bảo em: “Không quan trọng là sống bao lâu, quan trọng là mình tạo ra giá trị gì cho gia đình và cho xã hội. Có lý tưởng sống đẹp và có đam mê thì em sẽ không còn thấy cô đơn nữa. Nhìn vậy chứ nghề này đầy cái vui”…
Và đúng vậy, chị đã để lại biết bao nhiêu giá trị cho cuộc đời mà không cần nhận lại điều gì…