Đối với cả Israel và Hamas, thỏa thuận tạm ngưng chiến là một thủ đoạn chiến thuật, không phải là chủ trương chiến lược.
Sau nỗ lực bền bỉ từ các bên và những trì hoãn, thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày và trao trả con tin có hiệu lực, từ ngày 24/11. Người dân Palestine, Israel, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tạm nhẹ nhõm, sau thời gian nín thở, lo âu. Nhưng nhiều vấn đề, câu hỏi vẫn canh cánh trong lòng.
Pháo hoa rực sáng trên bầu trời khi các tù nhân Palestine được thả ra khỏi cơ sở quân sự Ofer của Israel diễu hành ở Beitunia hôm 24/11. (Nguồn: AFP) |
Không muốn nhưng buộc phải thỏa hiệp
Dễ thấy, cả Israel và Hamas chấp nhận ngưng chiến vì tình thế bắt buộc. Đòi hỏi giải cứu con tin gia tăng mạnh mẽ ở Israel và những nước có công dân bị bắt giữ. Tổn thất sinh mạng đã lên đến con số hàng chục ngàn, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em, khiến cộng đồng quốc tế, ngay cả phương Tây cũng không thể làm ngơ.
Cùng với cộng đồng quốc tế, Mỹ và nhiều nước phương Tây cũng lên tiếng kêu gọi tạm ngừng bắn, trong bối cảnh số thường dân thiệt mạng tăng chóng mặt và thảm họa nhân đạo tồi tệ ở Dải Gaza. Mỹ và phương Tây sẽ bị coi là thiên vị một bên, khó ăn nói với các nước Arab, cộng đồng quốc tế và ngay chính người dân của họ. Vai trò, ảnh hưởng quốc tế ít nhiều suy giảm.
Áp lực từ bên trong và bên ngoài đè nặng lên chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Bác bỏ mọi đề xuất tạm ngưng chiến, Israel sẽ mất nhiều hơn được. Việc tạm ngừng bắn 4 ngày, đổi lấy trao trả con tin, như một động thái xả áp, giảm bớt cái nhìn thiếu thiện cảm của quốc tế và người dân Israel lo ngại, phản đối bạo lực.
Trao trả con tin khiến Hamas mất một thứ “vũ khí quan trọng”. Đổi lại, họ sẽ có khoảng thời gian cần thiết để củng cố thế trận, điều chỉnh bố trí lực lượng, cơ sở hậu cần, kỹ thuật, khắc phục tổn thất quá lớn vừa qua, chuẩn bị chuyển sang hoạt động lâu dài theo kiểu chiến tranh du kích. Hơn nữa, đó cũng là động thái chứng tỏ Hamas có thể đàm phán được; tranh thủ thêm sự ủng hộ quốc tế, nhất là các nước có con tin.
Đối với cả Israael và Hamas, thỏa thuận tạm ngưng chiến là một thủ đoạn chiến thuật, không phải là chủ trương chiến lược.
Quá mong manh. Vì sao?
Ít nhiều, cộng đồng quốc tế cũng có cái để tạm bằng lòng. Thời gian ngắn ngủi nhưng rất quý để hỗ trợ nhân đạo, bớt áy náy vì sự chia rẽ và bất lực trước bạo lực của thế giới. Thỏa thuận ngừng bắn ít nhiều cũng gợi mở chút hy vọng nào đó, dù rất mơ hồ.
Nhưng cảm giác chung vẫn là mong manh, e ngại. Thậm chí thỏa thuận ngắn ngủi có thể đổ vỡ, hoặc không mang lại giá trị đáng kể nào, bởi toan tính chiến lược và hành động của một hoặc hai bên.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu không ngần ngại tuyên bố sẽ nối lại chiến dịch tấn công ngay khi thỏa thuận ngưng bắn hết hạn. Đối với chính quyền ông Netanyahu, đây là cơ hội để chơi tất tay, xóa bỏ Hamas, kiểm soát Dải Gaza, tạo ưu thế lớn cho Israel trong mọi giải pháp sau này. Israel chỉ chấp nhận khi đạt được mục tiêu cơ bản.
Người dân vẫy cờ Israel khi trực thăng chở con tin được Hamas thả tới Trung tâm y tế trẻ em Schneider ở Petah Tikva ngày 24/11. (Nguồn: Reuters) |
Có dư luận cho rằng Hamas tính toán chiến lược sai lầm, dẫn đến bùng phát xung đột, bị tổn thất nặng nề, gây thiệt hại lớn cho người dân Palestine. Nhưng Hamas cũng có lý do để hành động. Biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý tỏ ra vô hiệu trong thời gian dài. Người dân Palestine vẫn sống trong cảnh bị o ép đủ đường, hy vọng có một nhà nước chính thức ngày càng xa vời. Hamas cho rằng họ không còn con đường khác.
Hamas không nghĩ sẽ đánh bại Israel. Nhưng họ tin rằng có thể làm cho Israel bất ổn, thúc đẩy người dân hành động để có cuộc sống an bình lâu dài. Đó cũng là cách nhắc nhở các nước Arab và cộng đồng quốc tế đừng lãng quên vấn đề Palestine. Với mục đích đó, cái giá phải trả cũng đáng để đánh đổi!
Một bộ phận người dân Palestine không muốn đi theo con đường bạo lực, nhưng không ít người quá tuyệt vọng mà hưởng ứng, ủng hộ Hamas. Vì thế, lãnh đạo Hamas tin rằng vẫn có “chỗ đứng” để tiếp tục chiến đấu.
Cảm giác mong manh, e ngại còn đến từ sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế và tính toán chiến lược, lợi ích địa chính trị của nhiều nước, nhất là các nước lớn ở Trung Đông.
Dễ thấy, Mỹ và phương Tây có “tiêu chuẩn kép” với xung đột ở Dải Gaza. Họ kịch liệt lên án Hamas gây thiệt mạng cho người dân Israel, nhưng không có hành động tương ứng khi Israel vượt quá phạm vi trả đũa, khiến con số thương vong gấp rất nhiều lần; buộc người dân Palestine phải tha hương.
Đa số cộng đồng quốc tế ủng hộ ngừng bắn, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine. Nhưng ngoài phản đối bạo lực, thế giới chưa có thêm công cụ hữu hiệu nào, chưa tạo đủ áp lực buộc các bên xung đột phải xuống thang.
Tạm ngưng chiến, trao đổi con tin là phương án cần thiết, khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện nay. Nhưng sự cộng hưởng của các nhân tố trên cho thấy thỏa thuận ngừng bắn không nhiều hiệu quả thực tế, chưa thể tạo đột phá, chuyển biến mới cho giải pháp lâu dài về vấn đề Palestine.
Cuộc chiến đi về đâu
Khi thời gian tạm ngừng bắn kết thúc, có thể xảy ra các kịch bản, tình huống chính sau:
Một, cuộc chiến lại tiếp diễn, không kém phần ác liệt. Cho đến khi Hamas cơ bản bị xóa sổ, phải lánh sang khu vực khác, suy giảm khả năng tấn công; Israel kiểm soát Dải Gaza. Thực tế, Israel có nhiều lợi thế nhưng khó xóa sổ hoàn toàn Hamas.
Hamas sẽ chuyển sang hoạt động kiểu du kích ở Dải Gaza và một số khu vực khác; khôi phục lực lượng, tìm thêm chỗ dựa từ bên ngoài, để lại hành động khi có thời cơ, điều kiện.
Mâu thuẫn cơ bản không thay đổi. Xung đột lúc lắng, lúc bùng phát. Thậm chí phức tạp hơn bởi sự can dự trực tiếp, mạnh hơn của Hezbolla, Houthi và các nhân tố khác.
Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah vào ngày 24/11. (Nguồn: AP) |
Hai, thỏa thuận ngừng bắn có thể gia hạn thêm một số ngày, nếu Hamas chấp nhận thả thêm con tin. Tình huống, kịch bản này có thể xảy ra, nếu Hamas cần thêm thời gian củng cố; Israel không thể xóa sổ Hamas; áp lực đòi giải thoát con tin tăng cao. Cả Israel và Hamas tin không bên nào lợi dụng ngưng chiến để có hành động quân sự, bất ngờ gây thiệt hại cho bên kia.
Đây là kịch bản, tình huống khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện nay. Tuy chưa giải quyết được cơ bản tình hình, nhưng cũng giảm bớt tổn thất, căng thẳng, tạo khoảng lặng, môi trường cần thiết để hy vọng tìm kiếm giải pháp ngừng bắn lâu dài, có giám sát quốc tế.
Ba, từng bước thực thi giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài cho cả Israel, Palestine và khu vực Trung Đông. Nhưng giải pháp này rất khó khăn, phức tạp, phải đi qua nhiều bước, nhiều giai đoạn, đòi hỏi nỗ lực lớn của các bên.
Trước hết, phải có thêm các đợt ngừng bắn, tiến tới ngừng bắn lâu dài. Các bên chấp nhận có lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, thậm chí là cơ cấu trung gian tạm quản lý Dải Gaza, giám sát ngừng bắn, hạn chế xung đột bùng phát. Trên cơ sở đó mà đàm phán, tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, theo hướng cùng tồn tại nhà nước Israeel và Palestine.
Để giải pháp thành hiện thực, trước hết lãnh đạo các đảng phái, tổ chức ở Israel, Palestine phải chấp nhận tư duy mới, vượt qua chính mình, cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.
Người dân mỗi nước, thông qua lá phiếu, các phong trào bày tỏ chính kiến của mình, tạo áp lực mạnh mẽ lên chính phủ, lãnh đạo các tổ chức chính trị, quân sự.
Các nước, nhất là nước lớn cần có lập trường cân bằng, hài hòa hơn, tránh “tiêu chuẩn kép”, nghiêng lệch hẳn về một bên; không lợi dụng vấn đề Palestine để toan tính lợi ích quốc gia.
Liên hợp quốc và các nước Arab cần nỗ lực hơn, hiệu quả hơn, phát huy vai trò, trách nhiệm, làm trung gian hòa giải, cầu nối cho Israel, Palestine, Hamas gặp gỡ, đối thoại.
Ngày 21/11, lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã họp thượng đỉnh trực tuyến mở rộng về xung đột Israel-Hamas. Tuy không ra tuyên bố chung, nhưng BRICS khẳng định biện pháp chính trị, ngoại giao là giải pháp công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine.
Việc BRICS vượt ra ngoài phạm vi ưu tiên về kinh tế, thương mại, để góp phần tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột là tín hiệu đáng mừng. Với vị thế ngày càng tăng của tổ chức và các thành viên có quan hệ với các bên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…, hy vọng sẽ có tác động nhất định.