Ngày 26.11, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến ngày 20.11, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công gần 1.972 tỉ đồng, đạt 37,36% kế hoạch vốn đã giao, ước giải ngân kế hoạch vốn đến 31.1.2024 đạt 82,6% so với kế hoạch.
Trong đó, các chủ đầu tư được giao vốn nhiều nhưng tỉ lệ giải ngân thấp như Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai mới đạt 27,8%; Sở Nông nghiệp và PTNT đạt 19,8%; Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt 17,7%; Sở Tài nguyên và Môi Trường chưa có tỉ lệ giải ngân. Các địa phương như Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa, Ia Pa, Mang Yang, Phú Thiện… chỉ giải ngân được trên dưới 40% kế hoạch vốn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm do vướng quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy, vấn đề giấy phép môi trường mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố chậm phê duyệt phương án đền bù, không triển khai được công tác đền bù nên kéo dài thời gian thi công và giải ngân dự án như: đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Đông qua Quốc lộ 19), đường Nguyễn Chí Thanh, đường Nguyễn Văn Linh, đường nội thị thị xã Ayun Pa, đường liên huyện Chư Sê – Chư Pưh – Chư Prông, đường nội thị huyện Phú Thiện…
Việc hụt thu nguồn vốn từ tiền sử dụng đất và cho thuê đất năm 2022 và 2023 làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán.
Ngoài ra, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xem xét các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn đất đắp cho các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của một số dự án.
UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành, địa phương đôn đốc các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, cố gắng hoàn thành theo đúng kế hoạch. Đối với các dự án đang thi công, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ hoàn thành, giải ngân vốn dự án.