Một tuần đầy biến động
Thị trường chứng khoán trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm điểm mạnh vào ngày thứ Năm.
Trong phiên đầu tuần 20/11, thông tin về vụ bà trùm Trương Mỹ Lan gây thiệt hại lớn, lên tới 12,4 tỷ USD, đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các nhà đầu tư dù cú sốc Vạn Thịnh Phát đã phản ánh nhiều vào giá khoảng cùng thời gian này năm ngoái, khi bà Lan bị bắt.
Áp lực bán tăng mạnh trên thị trường chứng khoán, qua đó khiến VN-Index giảm ngay 15 điểm khi mở cửa ngày 20/11. Tuy nhiên, vụ việc được tìm hướng giải quyết trong cả năm qua. Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án tái cơ cấu Ngân hàng SCB. Trong khi Vạn Thịnh Phát gấp rút bán tài sản để khắc phục hậu quả.
Lực cầu bắt đáy đã kéo VN-Index tăng điểm nhẹ trở lại ngay trong phiên đầu tuần.
Thị trường duy trì sắc xanh trong 2 phiên sau đó.
Đà phục hồi được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán và một vài cổ phiếu bất động sản. Kỳ vọng vào giá thép xây dựng tăng cùng dự báo phục hồi của ngành xây dựng vào năm 2024 đã giúp nhóm cổ phiếu thép diễn biến tích cực. Một số doanh nghiệp thép gần đây đã điều chỉnh giá thép xây dựng tăng từ 110.000-410.000 đồng/tấn sau khoảng 3 tháng đi ngang nhờ tiêu thụ khởi sắc.
Ở nhóm cổ phiếu xăng dầu, quyết định giảm thời gian điều chỉnh giá cơ sở từ 10 xuống 7 ngày, premium (phần thưởng, ưu đãi, tiền lãi, phí bảo hiểm… ) để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng hay cho phép các nhà bán lẻ nhận được xăng từ tối đa 3 nhà phân phối đã hỗ trợ đà tăng điểm của nhóm cổ phiếu này.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản, đặc biệt là Novaland, được nhà đầu tư săn đón ở những phiên giữa tuần khi Thủ tướng Chính phủ họp nóng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản lớn, bao gồm Aquacity của Novaland.
Tuy nhiên, những thông tin thêm về vụ Vạn Thịnh Phát và sau đó là cáo trạng về vụ Tân Hoàng Minh cũng như nỗi lo về trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024… khiến nhiều người lo lắng.
TTCK bất ngờ bị bán mạnh trong phiên chiều thứ Năm (23/11) khiến chỉ số VN-Index đóng cửa mất tới 25 điểm trong phiên ATC cuối ngày. Cú lao dốc đầy bất ngờ của phiên khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp và kích hoạt đà bán tháo. Đà giảm duy trì trong gần hết phiên thứ Sáu (24/11) trước khi lực cầu bắt đáy dâng cao, giúp VN-Index phục hồi tăng 7 điểm vào phiên cuối tuần.
Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.095,6 điểm, tương đương mức giảm 0,5% so với cuối tuần trước; chỉ số HNX-Index ghi nhận mức giảm 0,2% xuống 226,1 điểm và Upcom-Index giảm mạnh 1,2% để đóng cửa tại 84,99 điểm.
Trong tuần, cổ phiếu trụ cột giảm mạnh nhất là Thế Giới Di Động MWG (-6,9%). Techcombank (TCB) giảm 3,5%. Vinamilk (VNM) giảm 2,4%. Ở chiều ngược lại, Novaland (NVL) tăng 9,3%. BIDV tăng 1,7%.
Thanh khoản trên TTCK đi ngang với giá trị giao dịch đạt 21.191 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục trở lại bán ròng trên cả 3 sàn với 954 tỷ đồng, chủ yếu trên HOSE với giá trị 910 tỷ đồng (-32% so với tuần trước).
Nhiều dự báo xấu, nhưng đà tăng chưa bị vi phạm
Tại hội thảo “Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024” mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nhìn nhận bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây có dấu hiệu cải thiện nhất định ở nhiều chỉ số quan trọng. Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng, định giá chứng khoán không còn rẻ, chỉ số giá/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) đã lên mức đỉnh lịch sử nếu bỏ nhóm bất động sản.
Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu FiinGroup – phân tích, dù bối cảnh vĩ mô có nhiều điểm sáng, các nhà đầu tư cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của thị trường.
Theo đó, trong quý III/2023, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết chưa có sự đột phá. Lợi nhuận toàn thị trường giảm khoảng 1,7%. Định giá P/E toàn thị trưởng ở mức 13,1 lần – thấp hơn trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay. Nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần – cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử.
Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đặt cược nhiều hơn vào tín hiệu vĩ mô tích cực, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng dồi dào và khả năng dòng tiền mạnh có thể vào cổ phiếu.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, cho rằng, xu hướng phục hồi của TTCK trong nước chưa bị vi phạm, đặc biệt là sau phiên cuối tuần, ngày 24/11, khi các chỉ số chứng khoán phục hồi ấn tượng và đóng cửa cao nhất phiên.
Theo ông Hinh, nhiều khả năng chỉ số VN-Index đã tạo đáy 2 thành công tại vùng 1.070-1.080 điểm. Đồng thời, thị trường cũng đón nhận thêm thông tin vĩ mô tích cực. Cụ thể, áp lực tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngừng phát hành tín phiếu và bơm trả lại thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Trên thực tế, trong hai tuần qua, NHNN không hút tiền về trên thị trường mở, trong khi bơm tiền ra qua tín phiếu đáo hạn, khoảng 40-50 nghìn tỷ đồng.
Một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động, trong đó có BIDV giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về còn 4,8%. Những diễn biến này cho thấy môi trường chính sách tiền tệ trong nước tiếp tục được duy trì theo hướng nới lỏng (hỗ trợ cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng).
Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia VNDirect, dòng tiền thông minh sẽ bớt “tâm lý thận trọng” và dần quay trở lại thị trường.