ANTD.VN – Một số quy định về kinh doanh đa cấp trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến chưa hợp lý, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
VCCI đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc một số quy định liên quan đến bán hàng đa cấp |
Cụ thể, Điều 25.1 dự thảo quy định các hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các điểm sau:
Cấm “bán hàng cho cá nhân bán hàng đa cấp khi cá nhân bán hàng đa cấp chưa bán hoặc tiêu dùng hết 80% lượng hàng hóa của lần mua gần nhất” tại Điều 25.1.d dự thảo là không khả thi bởi doanh nghiệp không thể kiểm soát và xác thực được tỷ lệ 80% này, dẫn đến rủi ro vi phạm pháp luật, thậm chí là thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh;
Hoặc các khái niệm “vượt quá nhu cầu sử dụng”, “vượt quá khả năng bán hàng” và “khối lượng lớn bất thường” tại Điều 25.1.d là những khái niệm chung chung, khó định lượng, tuỳ thuộc vào cách diễn giải, dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp cũng không có cách nào xác định được nhu cầu sử dụng cũng như khả năng bán hàng của các cá nhân bán hàng này.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, Điều 26 dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp, trong đó quy định trách nhiệm “duy trì tỷ lệ doanh thu từ việc bán hàng hoá cho người tiêu dùng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp” và đào tạo cơ bản cho người tham gia trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tham gia.
VCCI cho rằng, các quy định này không được quy định trong Luật, và do đó không nên được coi là quy định chi tiết Điều 45 Luật. Hơn nữa, các quy định này đã được quy định theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Nghị định 18/2023/NĐ-CP, và do đó không cần thiết phải nhắc lại các quy định này.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định này.