ĐỒNG THÁP-Nằm cách TP HCM 150 km, Vườn quốc gia Tràm Chim rộng gần 7.400 ha, với hệ sinh thái đất ngập nước cuối cùng còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười xưa.
Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) là nơi sinh sống của hơn 230 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm, 16 loài nằm trong sách đỏ. Năm 2012, Tràm Chim được công nhận khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng mang tính quốc tế) thứ 2.000 của thế giới, thứ tư của Việt Nam. Trong ảnh là một góc của vườn quốc gia. Ảnh: Ngọc Tài
Tháng 2 hằng năm là thời điểm đẹp nhất để tới Tràm Chim, ngắm nhìn các loài chim bay về. Những đàn chim ở đây đa dạng và đẹp mắt như một show diễn thời trang.
Ở Tràm Chim, du khách sẽ chiêm ngưỡng một miền Tây xưa với những đàn chim cò bay lượn rợp trời, những con cá quẫy nước cùng nhiều loài thực vật bản địa tưởng chừng đã biến mất. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp nhất là đàn cò ốc, thuộc họ hạc loài định cư được bảo vệ nghiêm ngặt. Loài chim giúp nông dân diệt trừ sinh vật gây hại, khi xơi ốc chúng sẽ gom vỏ vào cùng một chỗ. Ngoài ra, Tràm Chim còn có các loài cò, chim cổ rắn (điên điển), diệc xám, trích cồ.
Các loài chim kéo về kiếm ăn và sống tập trung ở khu C1, C2 của vườn do nhiều thức ăn nhất.
Riêng sếu đầu đỏ – loài biểu trưng của Tràm Chim – không di cư về vườn nhiều năm nay. Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã thông qua đề án bảo tồn đàn sếu đầu đỏ với tổng đầu tư 185 tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp nhận cặp sếu đầu tiên của Thái Lan trong tổng số 60 con được chuyển giao. Từ đàn sếu bố mẹ sẽ sinh sản thêm khoảng 40 con. Khi thả 100 sếu ra tự nhiên, đề án đặt mục tiêu tỷ lệ sống sót là 50%. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng
Hoạt động du lịch ở Tràm Chim diễn ra quanh năm song có một số mùa đặc trưng. Mùa hoa nhĩ cán tím – hoa của một loại rong sống ở vùng nước ngập nước bắt đầu nở thường cuối tháng 1, đầu tháng 2 và kéo dài khoảng 2 tháng. Nối tiếp là mùa hoa hoàng đầu ấn, một loại hoa đồng nội, nở từ tháng 3 đến tháng 5 (ảnh). Hoa nở vàng rực cả cánh đồng rộng hàng chục hecta, từ 10h đến 13h trưa. Mùa hoa nở, nơi đây thu hút rất đông khách du lịch.
Du khách còn có thể ngắm các loài súng trắng, đỏ trải rộng cả trăm hecta. Khi thu hoạch hoa súng ở Tràm Chim, người dân sẽ lấy cả phần thân dài dưới nước sâu nên phải bó lại thành khoanh để dễ vận chuyển. Hoa súng tươi đem về làm được rất nhiều món ăn ngon như gỏi, mắm kho, xào tỏi, canh nấu tôm.
Để tham quan vườn du khách có thể chọn đi xuồng máy (ảnh) hoặc xuồng kéo – phương tiện được ví là du thuyền miền Tây. Xuồng kéo với thiết kế một xuồng phía trước do tài công điều khiển, kéo hai xuồng phía sau. Hành khách có thể vừa ngắm cảnh, vừa thưởng thức ẩm thực ngay trên xuồng.
Có hai lộ trình di chuyển với quãng đường 12 km và 21 km thời gian từ 1h30 và 3h. Dọc tuyến, du khách sẽ được ngắm một Đồng Tháp Mười thu nhỏ với rừng tràm, ruộng cỏ năng, lúa ma, cánh đồng sen. Dưới nước, một số loài thực vật khó tìm thấy ngoài tự nhiên như rêu tường, rong đuôi chồn, bông súng tràng, củ co, hoa nhĩ cán tím, hoàng đầu ấn.
Lộ trình tham quan sẽ dừng chân ở tại điểm C4 – nằm giữa rừng, một đài quan sát cao 16 m giúp du khách dễ dàng ngắm toàn cảnh từ trên cao. Cạnh bên là những hàng quán với các món ăn dân dã, đặc trưng miền sông nước. Ảnh: Ngọc Tài
Du khách tới Tràm Chim ngoài tham quan còn để nghiên cứu, chụp ảnh. Một nhiếp ảnh gia chia sẻ chụp ảnh các loài chim hoang dã ở đây cần kiên nhẫn và đam mê. “Có khi mất cả tiếng rình mãi để tới gần nhất có thể nhưng sơ ý chút là chúng bay vù mất”, anh An nói. Ngoài ra, máy ảnh và ống kính tốt cũng là yếu tố giúp người chụp thành công.
Để vào Vườn quốc gia Tràm Chim, du khách phải mua vé, thuê xuồng máy hoặc xuồng kéo để di chuyển vào bên trong vườn (tối đa 20 người một phương tiện). Du khách được yêu cầu không xả rác trên suốt hành trình.
Ngoài những hoạt động ngoài trời, ngay trung tâm điều hành du lịch là bảo tàng chim và cá nước ngọt. Tại đây, còn có tiêu bản của một chú sếu đầu đỏ gắn bó 20 năm với vườn. Ngày trước, sếu được các nhà nghiên cứu gắn vòng định vị ở chân, nhằm xây dựng bản đồ di cư.
Riêng mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11, Tràm Chim mở các tuyến tham quan kết hợp trải nghiệm dỡ chà bắt cá, giăng lưới, đặt lợp, bắt chuột. Đây cũng được xem là mùa chim sinh sản bởi khi lũ về cá, tôm phong phú, trở thành thức ăn cho chim.
Hiện Đồng Tháp chưa có sân bay nên du khách muốn đến tham quan Tràm Chim nên bay tới Cần Thơ, sau đó di chuyển đến TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) cách đó 80 km rồi đến thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông) chừng 30 km. Từ TP HCM, tuyến đường bộ đi Cao Lãnh có các nhà xe như Phương Trang, Kim Cương, Quốc Hoàng. Từ Cao Lãnh đi Tràm Chim có thể di chuyển bằng xe buýt Phương Trang.
Tràm Chim có các hàng quán phục vụ món ăn từ đặc sản cá đồng, ốc, chuột đồng, các loại lẩu mắm, lẩu cua đồng, các món ăn từ sen. Cạnh Tràm Chim, khách sạn Wildbird với nhiều lựa chọn, phòng hội nghị sức chứa 50 khách, nhà hàng và tổ chức các tour trải nghiệm chuyên biệt như xem chim, soi ếch, chụp ảnh, trải nghiệm văn hoá. Ngoài ra, tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông cách vườn vài trăm mét có một số khách sạn, nhà nghỉ, farmstay.
Ngọc Tài – Tâm Anh
Ảnh: Ngô Trần Hải An