Krystyna bắt đầu làm việc ở độ sâu hàng trăm mét dưới mỏ khai thác than ở miền đông Ukraine vì công ty thiếu lao động nam.
Sau khi hơn 1.000 lao động nam nhập ngũ, một công ty khai thác than ở Dnipropetrovsk, miền đông Ukraine đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, buộc họ phải cho phép phụ nữ làm việc dưới lòng đất lần đầu tiên trong lịch sử. Hơn 100 người đã nhận công việc.
“Tôi nhận việc vì đang có xung đột và không có việc làm nào khác”, Krystyna, 22 tuổi, nói.
Cô làm kỹ thuật viên ở độ sâu 470 mét dưới lòng đất suốt 4 tháng nay. Krystyna vận hành đoàn tàu điện nhỏ chở công nhân đi hơn 4 km từ khu vực thang máy xuống lòng đất tới vỉa than.
Khu mỏ giống một tòa tháp rộng lớn với các thang máy chạy sâu hơn 600 m dưới lòng đất. Krystyna quyết định nhận công việc sau khi vượt qua nỗi sợ phải để lại Denys, con trai 4 tuổi, ở nhà để bà ngoại chăm sóc. Nhà cô ở Pavlohrad, cách tiền tuyến 100 km nhưng thường xuyên bị tên lửa Nga tấn công.
Krystyna cho hay công việc thú vị nhưng vất vả, nặng nhọc và hơi nước tỏa ra gây khó chịu. Tuy nhiên, cô nhận mức lương cao và cảm thấy có nghĩa vụ ở lại, làm việc vì những người đã ra trận.
Anh trai cô từng làm việc ở khu mỏ. Hai tuần sau khi Nga phát động chiến dịch hồi tháng 2/2022, anh nhập ngũ và Krystyna rất lo lắng. “Đàn ông Ukraine đều ra mặt trận, Bây giờ chúng tôi cần hỗ trợ họ, không còn ai làm việc trong mỏ nữa”, cô nói.
Ngành than Ukraine từng là một trong những ngành khai thác than lớn nhất châu Âu nhưng đã suy thoái suốt nhiều thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã. Lực lượng dân quân được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine đã kiểm soát nhiều khu vực giàu mỏ than từ năm 2014. Bây giờ, Nga còn nắm nhiều mỏ hơn.
Trước cuộc xung đột, một số phụ nữ đã làm việc ở khu mỏ nhưng vẫn bị chính phủ cấm làm việc dưới lòng đất vì cho rằng công việc quá nặng nhọc, theo chính sách từ thời Liên Xô. Lệnh cấm được bãi bỏ trong thời chiến, khoảng 400 phụ nữ đang làm việc dưới lòng đất trong các hầm mỏ của DTEK và chiếm 2,5 % lực lượng lao động dưới lòng đất.
Theo công ty, phụ nữ chỉ làm công việc hỗ trợ, không đòi hỏi lao động chân tay quá vất vả. Natalia, 43 tuổi, kỹ thuật viên vận hành tàu, cho hay “chúng tôi làm việc cùng cường độ với đàn ông, trừ phi đồ quá nặng không nhấc nổi”.
“Thực ra ban đầu tôi đã thuyết phục con đừng tới đó làm việc”, bà nhớ lại, cho biết bây giờ đã thay đổi suy nghĩ và cảm thấy công việc ở mỏ rất vui. Bà dự định tiếp tục ở lại sau khi xung đột chấm dứt.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)