Ngày 22.11, phát biểu trước các nhà lãnh đạo G20 lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Tổng thống Putin cho hay một số nhà lãnh đạo đã nói trong bài phát biểu của họ rằng họ bị sốc trước “sự gây hấn” của Nga ở Ukraine, theo Reuters.
“Tất nhiên, những hành động quân sự luôn là một thảm kịch. Và tất nhiên, chúng ta nên nghĩ cách ngăn chặn thảm kịch này… Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine”, ông Putin nhấn mạnh trong cuộc họp G20 trực tuyến do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, chủ tịch hiện tại của G20, triệu tập.
Điểm xung đột: Lữ đoàn Nga trúng HIMARS của Ukraine? Có gì trong đường hầm Hamas?
Một quan chức cấp cao của Nga ngày 21.11 nói rằng Moscow không thể cùng tồn tại với chính phủ hiện tại ở Kyiv và sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự để “phi quân sự hóa” Ukraine.
Trong khi đó, Kyiv đã thề sẽ chiến đấu cho đến khi binh sĩ Nga cuối cùng rời khỏi lãnh thổ Ukraine và các đồng minh phương Tây của Ukraine cho hay họ sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiv.
Tuy nhiên, cuộc phản công của Ukraine kể từ đầu tháng 6 bị cho là đã không đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào trước lực lượng được huấn luyện bài bản của Nga, theo Reuters.
Việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022 đã dẫn tới cuộc xung đột nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2 và cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh, theo Reuters.
Tổng thống Putin đã không đến dự các hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ hồi tháng 9 năm nay và ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái, mà cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov đi thay.
Trong các hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm 2021 và 2020, Tổng thống Putin không đến dự trực tiếp mà phát biểu qua video từ Moscow. Lần gần nhất ông Putin dự cuộc họp G20 trực tiếp là vào năm 2019, khi hội nghị được tổ chức tại thành phố Osaka của Nhật Bản.