Trong buổi thảo luận tại Quốc hội mới đây, đại biểu Lý Thị Lan, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Hà Giang, đề nghị Chính phủ ban hành quy định về đào tạo, sát hạch, sử dụng xe gắn máy dung tích dưới 50cc (50 phân khối). Đây không phải lần đầu tiên vấn đề quản lý người điều khiển xe dưới 50cc qua sát hạch được đặt ra. Tại dự thảo lần 1 luật Giao thông đường bộ sửa đổi hồi tháng 7.2020 đã đưa quy định người lái xe máy điện, xe gắn máy dưới 50 phân khối phải thi sát hạch lấy bằng lái xe hạng A0. Song sau khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, quy định người điều khiển xe máy dưới 50cc phải có giấy phép lái xe (GPLX) đã nhận nhiều ý kiến trái chiều và cơ quan soạn thảo đã bỏ ra trong các dự thảo sau đó. Tại dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì – bao gồm lĩnh vực sát hạch GPLX thay cho dự thảo luật Giao thông đường bộ trước đó) đang trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp 6 cũng không đưa ra nội dung quy định cấp bằng lái hay sát hạch người lái xe máy dưới 50cc.
Nhiều xe máy điện, xe đạp điện “độ, chế”
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50 phân khối và không phải qua sát hạch lái xe; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh từ 50 phân khối trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, khẳng định bối cảnh thực tiễn hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với năm 2020, đòi hỏi cần kiểm soát chặt chẽ đối tượng tham gia giao thông này.
Theo ông Hậu, quy định hiện nay cho phép học sinh trung học độ tuổi 16 – 18 có thể độc lập tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy có dung tích dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình trang bị cho con xe máy điện để đi học khi mới chỉ 14 – 15 tuổi. Tại các trường THCS, có thể dễ dàng bắt gặp những em học sinh còn quàng khăn đỏ nhưng đã hằng ngày đi xe đạp điện, xe máy điện tới trường. Trong khi đó, các loại xe phân khối nhỏ dưới 50cc, xe điện ngày càng đa dạng về mẫu mã, nhỏ gọn, nhưng vẫn có tốc độ tương đối cao, có thể chạy 20 km/giờ, 30 km/giờ, thậm chí là 50 km/giờ – tương đương tốc độ người trưởng thành điều khiển xe phân khối lớn hơn, đặc biệt tại các khu đô thị đông dân như Hà Nội, TP.HCM.
Chưa kể nhiều em học sinh còn đi “độ” thêm cho phương tiện mạnh hơn, chạy nhanh hơn. Đáng nói, theo ông Hậu, học sinh lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng giao thông, dẫn đến rất nhiều vụ tai nạn. Số liệu thống kê trong một số nghiên cứu độc lập cho thấy có tới 80 – 90% tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng liên quan tới trẻ em là rơi vào nhóm tự đi. “Chạy xe ngoài đường ngày càng thấy nhiều em học sinh đi rất thiếu kỹ năng. Nếu như ngày trước, các bạn thường chỉ trốn đội mũ bảo hiểm thôi thì bây giờ còn liều lĩnh hơn rất nhiều. Muốn rẽ là rẽ, không cần nhìn trước ngó sau, không biết sang đường sao cho đúng cách, không biết làn nào được đi, làn nào không, đường nào cấm… rất nguy hiểm. Trong khi các em có được chạy đường riêng đâu, vẫn lưu thông cùng hàng vạn xe lớn, xe nhỏ chen chúc trên đường. Nhiều khi thấy mấy em mặc áo đồng phục học sinh, chạy lơ ngơ phía trước, thậm chí còn tạt đầu cả ô tô, xe máy lớn, vừa bực vừa lo, sợ luôn không dám cho con mình tự chạy xe ra đường”, luật sư Hậu dẫn chứng.
Ông cũng cho rằng học sinh, sinh viên là đối tượng trong độ tuổi chưa “chín” về nhận thức, rất “liều”, thích thể hiện bản thân nên nếu không có kiến thức nền cơ bản, không được kiểm soát chặt chẽ thì rủi ro, hậu quả sẽ rất lớn. Do đó, yêu cầu nhóm lái xe dưới 50cc phải có GPLX là điều rất cần thiết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất: Sau khi có chủ trương, cơ quan quản lý sẽ xây dựng cách học, chương trình học sao cho hợp lý. Không cần phải là những khóa học quá dài, chương trình quá nặng. Cũng không nên tạo gánh nặng cho các thầy cô vì họ không có chuyên môn giảng dạy lái xe. Có thể triển khai mô hình trung tâm sát hạch kết hợp cùng các trường tổ chức những khóa học ngắn với nội dung mỏng hơn, nhẹ hơn kỳ thi sát hạch bằng lái xe A1. Chủ yếu tập trung vào phổ biến luật và những kỹ năng xử lý tình huống cơ bản.
Quan trọng nhất để các em học sinh nắm rõ những nội dung lý thuyết và thực tiễn cơ bản khi tham gia giao thông trong khu đô thị, khu dân cư. Đồng thời, nên hạ độ tuổi cho phép học sinh trung học có thể độc lập tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện từ trên 16 tuổi như hiện nay xuống còn 15 tuổi. Hiện nay độ tuổi trưởng thành của người Việt đã thay đổi. Cả về thể lực và ý thức, nhận thức, các em tròn 15 tuổi đã có đủ khả năng điều khiển các loại phương tiện này. Chưa kể quy định 15 tuổi cũng sẽ đồng nhất với độ tuổi được phép trở thành người lao động theo luật Lao động.
Có phải đổi hạng GPLX khi đủ 18 tuổi ?
Đồng tình đề xuất cần sát hạch với người lái xe dưới 50cc, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, dẫn một số nghiên cứu gần đây tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 90% số vụ TNGT nghiêm trọng liên quan trẻ em thuộc nhóm tự đi xe đến trường. Do đó, theo ông, đề xuất người 16 – 18 tuổi khi điều khiển xe máy điện có công suất nhỏ hơn 4 KW, xe gắn máy có dung tích nhỏ hơn 50 cc phải có GPLX là rất đúng đắn.
Hiện tại, các trường học đang lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa song học sinh mới được tiếp cận lý thuyết. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu quy định người sử dụng xe điện, xe gắn máy dưới 50cc phải tham gia lớp học về luật giao thông và kỹ năng cơ bản; sau khi kết thúc khóa học sẽ có kiểm tra để cấp chứng chỉ hoặc bằng lái.
Năm 2020, khi lấy ý kiến dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) lý giải việc quy định GPLX hạng A0 trong dự thảo luật này là để phù hợp với các quy định của Công ước Vienna mà VN đã tham gia. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tế là người lái xe phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác. Theo một thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ TNGT những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi THPT (16 – 18 tuổi). Trong khi đó, có khoảng 52% số học sinh tự đi học bằng xe đạp điện, xe máy nhưng không có GPLX.
Một vấn đề đặt ra là nếu người điều khiển xe dưới 50cc thì sẽ xếp vào loại bằng lái gì? Và trong trường hợp khi đủ 18 tuổi có cần sát hạch đổi GPLX với xe trên 50cc hay không? Theo ông Trần Hữu Minh, trong trường hợp được bổ sung quy định này thì cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn về các vấn đề liên quan.
“Chưa cần thiết, dễ gây tốn kém”
Đồng tình với quan điểm cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh, sinh viên đến tuổi được phép sử dụng xe dưới 50cc, song, ông Nguyễn Ngọc Tường, nguyên Phó trưởng ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, lại cho rằng chưa cần thiết phải bắt buộc các em trải qua kỳ thi sát hạch vì về nguyên tắc, đã lái xe thì phải học luật, phải nắm quy định và có kỹ năng.
Hiện nay, trong chương trình giảng dạy của các trường tiểu học, THCS đều đã lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông, cung cấp kỹ năng lái xe cơ bản cho học sinh như đi bên phải, đúng làn, đội mũ bảo hiểm… để các em có ý thức, nhận thức, có hiểu biết cơ bản về luật giao thông. Theo ông, đối với xe dưới 50 phân khối, xe đạp điện có tốc độ không lớn, nguy cơ tai nạn không cao như xe phân khối lớn thì chỉ cần những nền tảng kiến thức ở trường như vậy, cộng với giáo dục sát sao từ gia đình là đủ.
Chưa kể, công dân đủ 18 tuổi muốn tham gia giao thông, sử dụng xe trên 50cc sẽ phải thi sát hạch bằng lái A1. Nếu từ 16 – 18 tuổi lại tổ chức thêm cuộc thi nữa sẽ gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc và chi phí xã hội. Thậm chí, nếu người học không có ý thức thì sẽ phát sinh tiêu cực như mua bằng, học hộ, thi hộ…
“Do đó, thay vì yêu cầu các em học sinh phải thi sát hạch, quan trọng hơn là thay đổi nhận thức từ phía phụ huynh. Các phụ huynh phải nhận thức rõ rằng giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi, chưa có kiến thức nền, chưa hiểu luật, chưa đủ kỹ năng thì chính là mang rủi ro, gây nguy hiểm tới con em mình. Từ đó, gia đình sẽ có ý thức tăng cường chỉ bảo, dạy dỗ, chung tay cùng nhà trường tuyên truyền luật và hướng dẫn con em mình tham gia giao thông an toàn”, ông Nguyễn Ngọc Tường nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cũng cho rằng các trường học đã lồng ghép giáo dục an toàn giao thông, cung cấp kỹ năng lái xe cơ bản cho học sinh (đi bên phải, đúng làn, đội mũ bảo hiểm…) nên kết hợp cùng hướng dẫn, dạy bảo của gia đình sẽ “tốt hơn là bắt buộc học sinh đến trung tâm đào tạo lái xe, tham gia sát hạch”.
Các khóa đào tạo kiến thức cơ bản điều khiển phương tiện dưới 50cc tham gia giao thông chắc chắn sẽ tốn thêm chi phí cho các gia đình. Song, đừng nghĩ thay cho phụ huynh, họ sẽ tự có cân nhắc, tính toán, cẩn trọng hơn trước quyết định giao xe cho con mình: đủ tuổi, đủ điều kiện kinh tế, đủ kiến thức và kỹ năng thì mới được độc lập tham gia giao thông. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho thế hệ tương lai của đất nước, cho hàng triệu người hằng ngày tham gia lưu thông trên đường mà còn góp phần hạn chế người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Thái Lan cho phép học sinh 15 – 16 tuổi đã được thi bằng lái ô tô và giờ các nhà lập pháp đang “đau đầu” giải quyết hậu quả vì đường phố kẹt trầm trọng, trở thành bãi đậu xe ô tô khổng lồ. Bởi vậy, tùy theo lứa tuổi và loại xe cần có cách đào tạo riêng. An toàn giao thông là vấn đề rất nghiêm trọng của cả dân tộc. Nếu không làm chặt chẽ thì hậu quả để lại sẽ rất lớn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Việc lái xe khi chưa đủ tuổi sẽ bị phạt như sau:
– Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (khoản 1 điều 21 Nghị định số 46/2016).
– Hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 – 1 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 4 điều 30 Nghị định 46/2016.
Có nên hạ độ tuổi được đi xe máy xuống 13 – 14 tuổi ?
Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chiều qua 24.11, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho rằng không nên hạ độ tuổi được phép điều khiển xe máy xuống 13 – 14 tuổi. Theo đại biểu Chung, xe gắn máy được xác định là một loại phương tiện giao thông cơ giới và là “nguồn nguy hiểm cao độ” trong luật. Cho nên việc đủ điều kiện về thể chất chỉ là một phần trong vấn đề điều khiển xe gắn máy, quan trọng nhất chính là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
“Nếu như hạ độ tuổi của người điều khiển xe gắn máy xuống độ tuổi 13 – 14, tức là độ tuổi đang học THCS thì các em chưa đủ điều kiện về nhận thức cũng như ý thức trong vấn đề tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT”, bà Chung nêu. Thực tế theo quy định của luật hiện hành cũng như dự thảo luật, quy định người đủ 16 tuổi trở lên thì được điều khiển xe máy điện (khoản 1 điều 60 luật Giao thông đường bộ: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cc). Song theo bà, nhiều phụ huynh “vẫn cứ hiểu rằng học sinh bắt đầu bước vào THPT thì đều có thể là sử dụng xe gắn máy”.
Luật Giao thông đường bộ quy định về độ tuổi điều khiển xe dưới 50cc:
– Những người đủ 16 tuổi trở lên thì được phép điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cc mà không cần bằng, chỉ cần có đủ giấy phép đăng ký xe và bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
– Đối với những loại xe mô tô 50cc trở lên và những dòng xe ô tô, xe máy kéo, xe ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg và xe ô tô có 9 chỗ ngồi yêu cầu phải đủ 18 tuổi trở lên.