SGGPO
Ngày 8-10-2022, Cổng thông tin Bộ Công an công bố thông tin Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để làm rõ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tiếp đó, ngày 18-11-2023, cơ quan chức năng ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Giữa trung tâm TPHCM, nhiều dự án bất động sản liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Toà nhà Union Square nằm ngay đầu tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Đầu tiên phải kể đến tòa nhà Union Square nằm ngay đầu tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, với 4 mặt tiền đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi (quận 1). Tòa nhà nằm gần trụ sở HĐND và UBND TPHCM, được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại vào tháng 6-2013, với số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng.
Toà nhà Công ty CP đầu tư Times Square với khách sạn 6 sao đầu tiên ở TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Cũng nằm trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà Công ty CP đầu tư Times Square với khách sạn 6 sao đầu tiên ở TPHCM (26-36 Nguyễn Huệ, quận 1) do ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công trình được bà Trương Mỹ Lan dàn xếp để ông Cơ dùng thế chấp và gia hạn thế chấp cho các khoản vay do bà Lan đề nghị tại SCB. Tại khu trung tâm quận 1, tòa nhà này có thể nói là “khủng” nhất, cực kỳ sang trọng.
Toà nhà VTP Building (8 Nguyễn Huệ, quận 1). Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Cách khách sạn 6 sao nói trên chừng vài chục mét, Trung tâm dịch vụ văn phòng VTP tại tòa nhà VTP Building (8 Nguyễn Huệ, quận 1) nằm trong số các dự án trên “đất vàng” đường Nguyễn Huệ liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Toà nhà số 19-25 Nguyễn Huệ (quận 1), là nơi SCB đang hoạt động. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Phía đối diện với tòa nhà VTP Building, tòa nhà số 19-25 Nguyễn Huệ (quận 1) cũng đồ sộ và cao sừng sững, là nơi SCB đang hoạt động.
Cao ốc Sherwood Residence tọa lạc ngay mặt tiền đường Pasteur (quận 3), được cho là nơi ở của vợ chồng bà Trương Mỹ Lan trước khi bị bắt. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Sherwood Residence (127 đường Pasteur, quận 3) là cao ốc căn hộ du lịch, có 240 căn hộ (trong đó có 12 căn penthouse) được trang bị nội thất và nhiều tiện ích sinh hoạt, giải trí phục vụ 24/24. Trước khi bị bắt, bà Lan và chồng được cho là sinh sống tại căn penthouse của cao ốc này, thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Căn biệt thự cổ 3 mặt tiền, nhìn từ phía đường Võ Văn Tần (quận 3). Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Căn biệt thự cổ ở số 110 – 112 Võ Văn Tần (quận 3) có diện tích gần 3.000m2 với 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu. Năm 2015, bà Trương Mỹ Lan thông qua Công ty CP MINERVA mua lại căn biệt thự cổ này với giá 35 triệu USD (khoảng 700 tỷ đồng). Công ty CP MINERVA thành lập ngày 28-7-2015 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại theo nguyên bản vào năm 2019. Sở Xây dựng TPHCM đã cấp phép xây dựng cho Công ty Stonewest Limited của Singapore là nhà thầu của công trình. Do căn biệt thự cổ nằm trong danh sách được bảo tồn nên chủ công trình chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng mà không được xây dựng mới. Bảo vệ ở đây cho biết, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, lực lượng chức năng đã đến nơi này làm việc rồi nhà thầu đã thông báo đóng cửa công trình, ngưng thi công. Theo quan sát, bên trong đã không còn công nhân nhưng vật tư vật liệu, máy móc vẫn còn ngổn ngang. Tại đây có vài bảo vệ được giữ lại để bảo vệ công trình.
An Đông Plaza, trung tâm thương mại nổi tiếng ở quận 5 những năm trước đây. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Trung tâm mua sắm An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza (18 đường An Dương Vương, quận 5) cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza có tổng vốn đầu tư hơn gần 1.300 tỷ đồng, với tòa nhà cao 25 tầng và trung tâm thương mại, hội nghị. Windsor Plaza là khách sạn đầu tiên do tư nhân Việt Nam đầu tư và quản lý, đạt tiêu chuẩn 5 sao của Tổng cục Du lịch Việt Nam (tên gọi trước đây).
Thuận Kiều Plaza (quận 5), nay được đổi tên là The Garden Mall. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Thuận Kiều Plaza (quận 5) được Công ty CP An Đông (Công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mua lại vào năm 2015 và được đổi tên là The Garden Mall. Dự án là một khu cao ốc có tổng diện tích xây dựng 10ha, bao gồm 3 tòa tháp cao 33 tầng với 648 căn. Được xây dựng từ năm 1994 đến năm 1999, Thuận Kiều Plaza là một tổ hợp 3 tòa tháp án ngữ trên đường Hồng Bàng, ngay khu đất vàng của trung tâm quận 5. Nơi đây được xem là một trong những cao ốc phức hợp đầu tiên được xây dựng và từng được coi là biểu tượng phát triển của TPHCM.
Dự án Saigon One Tower, được khởi công xây dựng từ năm 2007. Năm 2021, Công ty Viva Land mua lại, đến nay vẫn “đứng hình”. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Saigon One Tower được khởi công xây dựng từ năm 2007 với chiều cao 195m (41 tầng), từng lọt top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam và top 3 tòa nhà cao nhất TPHCM (sau Bitexco Financial Tower và Vietcombank Tower, khi chưa có Landmark 81). Tọa lạc góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận 1), dự án từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc của thành phố hoa lệ. Dự án Saigon One Tower được đổi tên mới là IFC One Saigon được Viva Land (thành viên của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) mua lại hồi cuối năm 2021.