Từ trước đến nay, Việt Nam luôn khẳng định các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể thiếu của dân tộc và luôn coi trọng việc bảo đảm các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, không có sự phân biệt đối xử,… của các cộng đồng này. Đặc biệt, các dân tộc thiểu số có quyền tham gia vào hệ thống chính trị quốc gia, đặc biệt là cơ quan cao nhất là Quốc hội.
Từ ngày 29-30/11, tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn đại biểu Việt Nam tham gia bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ năm thực thi công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD 5). Nội dung báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc các biện pháp khác và kết quả triển khai các biện pháp đó trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019 nhằm bảo vệ quyền con người, chống các hành vi kỳ thị, phân biệt về chủng tộc tập trung vào người dân tộc thiểu số và người nước ngoài ở Việt Nam.
Qua đó, Việt Nam khẳng định các thành tựu bảo vệ nhân quyền cho người dân tộc thiểu số và người nước ngoài ở Việt Nam, nhận diện các khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện Công ước trong giai đoạn báo cáo và định hướng triển khai trong tương lai.
Một trong những nội dung của công ước bao gồm quyền dân sự chính trị (được nêu tại Điều 5) cho người dân tộc thiểu số và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam luôn được nước ta khẳng định và thực hiện, đạt được những kết quả nổi bật.
Chủ trương, chính sách khẳng định rõ vai trò và quyền tham gia chính trị của người dân tộc thiểu số
Về cơ sở pháp lý, vấn đề dân tộc luôn được khẳng định, là nền tảng cho những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Trong đó, từ bản Hiến pháp 1992 đã nêu rõ: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…” (Điều 5); “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”(Điều 52); “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật” (Điều 54).
Tiếp đến, trong các văn bản quy phạm pháp luật đều khẳng định, theo Hiến pháp và pháp luật, quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, và bảo vệ; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…
Để tăng cường sự tham gia của đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (1997) ghi rõ: “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật” (Điều 2); “Số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số do Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm để các thành phần dân tộc thiểu số có số đại biểu thích đáng“ (Điều 10).
Trong luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (1997), việc giao một cơ quan Quốc hội là Hội đồng dân tộc đảm trách việc chuẩn bị nhân sự là người dân tộc thiểu số ứng cử Quốc hội đã thể hiện việc tăng cường vị thế của cơ quan đại diện dân tộc trong Quốc hội.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (2016) quy định tỷ lệ tối thiểu ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số về mặt định lượng (18%), tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số so với dân số chung cả nước.
Những con số khả quan
Từ giai đoạn 1976-1992, có nhiều những biến động, thay đổi về tình hình chính trị, kinh tế đất nước, tỷ lệ đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số xuống thấp hơn, chỉ trên dưới 14%. Nhưng đến giai đoạn 1997-2011, tỷ lệ người dân tộc thiểu số 3 khóa liền đạt trên 17% và đã lên tới 17,65% (Khóa XII, 2007-2011).
Nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016), tỷ lệ người dân tộc thiểu số chỉ đạt 15,6%, nhiệm kỳ Khóa XIV (2016-2021) lại đạt 17,3% và nhiệm kỳ Khóa 15 (2021-2026) đạt 17,8%, với 89/499 đại biểu của 32 dân tộc trúng cử, cao nhất các khóa Quốc hội, tức là gần với chỉ tiêu quy định mới về ứng cử viên dân tộc thiểu số theo luật định (18%).
Tuy mức độ biến động tỷ lệ đại biểu dân tộc thiểu số trong cơ quan Quốc hội có khác nhau, có yếu tố giai đoạn, phụ thuộc vào hoàn cảnh, tình hình chính trị cũng như công tác cán bộ dân tộc thiểu số trong các giai đoạn này nhưng nhìn chung tỷ lệ đều đạt cao hơn tỷ lệ dân số dân tộc trong cơ cấu dân số quốc gia. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Về cơ cấu thành phân các dân tộc, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có đại diện của từ 28-32 dân tộc. Một số dân tộc thiểu số có số dân đông như Tày, Thái, Mường, Khmer, Mông, Nùng đều có đại diện qua các khóa Quốc hội với số lượng đáng kể; một số dân tộc có dân ít (dưới 10.000 người, đặc biệt dưới 1.000 người) sinh sống ở các vùng núi cao, hẻo lánh cũng có đại diện tham gia Quốc hội.
Đáng chú ý, Khóa XIV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Mảng (dân số dưới 5.000 người) và Khóa XV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Brâu (dân số dười 1.000 người) và dân tộc Lự (dân số 6.000 người) tham gia Quốc hội. Đến nay đã có tổng số 52/54 dân tộc (bao gồm cả dân tộc Kinh) và 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Hiện chỉ còn 2 dân tộc Ơ đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội và đây cũng là mục tiêu Việt Nam phấn đấu để các dân tộc có đại biểu Quốc hội.
Cùng với đó, nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện nhằm tăng cường sự tham chính của đồng bào dân tộc thiểu số vào cơ quan Quốc hội, bảo đảm tính đại diện, cơ cấu tỷ lệ phù hợp gắn với nâng cao chất lương ứng cử viên trong các cuộc bầu cử cũng như đại biểu Quốc hội khi trúng cử.
Các biện pháp bao gồm phát hiện, tập hợp giới thiệu nguồn ứng cử; tiến hành công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt đối với cử tri, cử tri vùng dân tộc; tiến hành công tác đào đạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động Quốc hội cho các đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, nhất là đối với đại biểu là người dân tộc thiểu số, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò tham gia của các đại diện dân tộc thiểu số trong cơ quan Quốc hội của Nhà nước.
Phương Anh