Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1474/QĐ-TTg ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo đó, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ BHTN gồm: nhóm dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo quy định tại điều 54 luật Việc làm (dịch vụ tư vấn, dịch vụ giới thiệu việc làm).
Nhóm dịch vụ giải quyết hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, gồm: dịch vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; dịch vụ trả kết quả hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Nhóm dịch vụ giải quyết trợ cấp thất nghiệp, gồm: dịch vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; dịch vụ thông báo về việc tìm kiếm việc làm; dịch vụ tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; dịch vụ tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; dịch vụ chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và dịch vụ chuyển và tiếp nhận chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Dịch vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề.
Phó thủ tướng yêu cầu trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị phản ánh về Bộ LĐ-TB-XH để báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ BHTN cho phù hợp.
Đầu tháng 9, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ năm 2022, Quỹ BHTN đến cuối năm 2022 ước đạt 59.300 tỉ đồng, dự kiến năm 2023 tăng lên hơn 62.400 tỉ đồng. Cả nước có hơn 14,3 triệu người tham gia BHTN, tăng gần 930.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thu giảm gần 2.600 tỉ đồng (khoảng 15%), đạt 14.420 tỉ đồng, trong khi số chi khoảng 19.700 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ LĐ-TB-XH), trong 9 tháng vừa qua, cả nước có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong đó hơn 772.000 người có quyết định hưởng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Thực tế, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ tăng mạnh nhất ở những tháng đầu năm. Có nhiều lao động bị mất việc từ trước tết, sau tết vẫn là thời điểm trong thời hạn 3 tháng để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, nên kéo theo số người hưởng tăng.
Người nhận trợ cấp chủ yếu ở các thành phố lớn, đông khu công nghiệp, thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… Mất việc, không có thu nhập, quyết định nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lựa chọn của nhiều người lao động trong bối cảnh khó khăn.
Cơ quan quản lý dự báo tình trạng này còn gia tăng trong bối cảnh cắt giảm việc làm kéo dài tới đầu năm 2024.
Để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan liên quan đang thiết kế gói hỗ trợ khoảng 23.000 tỉ đồng từ Quỹ BHTN.