Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy tảng băng trôi lớn nhất thế giới A23a nặng gần một nghìn tỷ tấn hiện đang trôi nhanh qua mũi phía bắc Bán đảo Nam cực nhờ lực gió và dòng chảy mạnh.
Kể từ khi tách ra khỏi Thềm băng Filchner-Ronne ở Tây Nam Cực vào năm 1986, tảng băng trôi – nơi từng là trạm nghiên cứu của Liên Xô – đã bị kẹt lại do phần đế kẹt dưới đáy Biển Weddell.
Nhà nghiên cứu sông băng người Anh của Cơ quan Khảo sát Nam Cực Oliver Marsh cho biết rất hiếm khi nhìn thấy một tảng băng trôi có kích thước như thế này di chuyển, vì vậy các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của nó.
Nếu tiếp tục tăng tốc, tảng băng khổng lồ có khả năng sẽ di chuyển đến Dòng hải lưu Vòng Nam Cực. Điều này sẽ đưa nó về phía Nam Đại Dương trên một con đường được gọi là “hẻm tảng băng trôi”, nơi cũng có những khối băng khác đang nhấp nhô trong vùng nước tối.
Hiện chưa rõ nguyên nhân tảng băng trôi đột ngột bị tách ra. “Theo thời gian, tảng bang có thể mỏng đi một chút, nhờ đó nó thể nổi lên khỏi đáy đại dương và bị dòng hải lưu đẩy đi”, nhà nghiên cứu Marsh cho biết. A23a cũng là một trong những tảng băng trôi lâu đời nhất thế giới.
Có khả năng A23a sẽ dừng chân ở đảo Nam Georgia. Đây là nơi sinh sản và kiếm ăn của hàng triệu con hải cẩu, chim cánh cụt và chim biển. Nếu A23a va chạm với đảo Nam Georgia, hàng triệu sinh vật trên sẽ bị cản trở sinh sản, kiếm ăn.
Trước đó vào năm 2020, một tảng băng trôi khổng lồ khác – A68 – làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ va chạm với Nam Georgia, đè bẹp sinh vật biển dưới đáy biển và cắt đứt nguồn thức ăn. Tuy nhiên, thảm họa đó đã không xảy ra khi A68 vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Kết cục này cũng có thể xảy ra với A23a.
Tảng băng trôi kích cỡ khổng lồ như thế này có khả năng tồn tại khá lâu ở nam Đại Tây Dương, mặc dù thời tiết ấm hơn nhiều và nó có thể di chuyển xa hơn về phía bắc tới Nam Phi. “Chúng tôi chưa thể biết rõ tảng băng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến mức độ nào”, Marsh cho biết.
Hoài Phương (theo SCMP, Reuters, CNN)