LỜI TÒA SOẠN
“Sài Gòn không bao giờ ngủ và đêm Sài Gòn không bao giờ đủ” là câu nói đã thành quen thuộc mà người dân và du khách dùng để tả về TPHCM, thành phố lớn nhất, đầu tàu kinh tế cả nước. Thành phố muôn màu, rực rỡ về đêm, không lúc nào ngớt tiếng người, xe, cả cảnh vui chơi và mưu sinh.
Để phục vụ cuộc sống sau 0h ấy, bao người vẫn tươi cười, đón khách, gom nhặt từng đồng trên hè phố.
Dân trí thực hiện tuyến bài về cuộc sống của những người mưu sinh lúc nửa đêm, để thấy cuộc sống của thành phố không ngủ, nơi cơ hội mở ra với mọi người.
Nghe thấy âm vang quen thuộc, một đứa trẻ vội vã chạy ra, mở toang cửa: “Ông Bấu, cho con một tô!”.
Ông không hỏi cậu nhóc ăn cay nhiều hay cay ít, bỏ xương hay bỏ giò, bởi ông tự hào mình thuộc lòng khẩu vị của từng khách.
Đáp lại câu hỏi của cậu bé bằng cái gật đầu, người đàn ông với cái lưng đau nhức vội quay xe, đạp một mạch đến quầy hủ tiếu ngoài đầu hẻm. Chỉ vài phút, ông trở lại với một tô hủ tiếu đầy, thơm phức mùi thịt và hành phi.
Nghề tưởng dễ mà khó
Xe hủ tiếu của ông Hán Ngọc Bấu (51 tuổi, quê tại tỉnh Phú Thọ) nằm ở góc chợ Cầu Cống (đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TPHCM), một địa điểm dễ thấy nên 23 năm qua mỗi ngày vẫn có nhiều khách lui đến.
Theo ông Bấu, ngày nay, các xe hủ tiếu gõ thường cố định một chỗ, chủ yếu bán cho khách vãng lai. Gia đình ông là một trong số ít những quầy hủ tiếu còn tồn tại kiểu một người bán, một người vừa đạp xe, cầm muỗng gõ vào chày đập đá, len lỏi khắp ngõ ngách để tìm thực khách rồi bưng món ăn đến tận nơi.
Ông chủ xe hủ tiếu bộc bạch, nghề hủ tiếu gõ tưởng dễ nhưng lại vô cùng vất vả. Thời chưa sắm xe đạp, ông phải đi bộ để bê hủ tiếu một đoạn đường xa.
Những hôm khách đông, hai cánh tay, đỉnh đầu của ông Báu lại trở nên “bận rộn”, xếp đầy 3 chiếc mâm đựng gần chục tô hủ tiếu.
Thời gian đầu còn loạng choạng, nhưng dần rồi ông Bấu thành quen. “Kỷ lục đỉnh nhất của tôi là bưng 10 tô hủ tiếu cùng lúc, chưa từng làm đổ xuống đất”, ông nói, ánh mắt lộ rõ vẻ tự hào.
Ngoài cái khó ấy, ông Bấu cho hay, vợ chồng ông luôn phải nhớ khẩu vị của từng khách. Bởi chỉ cần “lệch” một chút, ông sẽ phải hối hận vì đánh mất một người khách quen.
Trước đây, người ta hay đồn ác ý rằng hủ tiếu gõ ngon nhờ có… chuột trong nồi nước lèo. Nghe điều này, tiểu thương buôn bán chỉ ngán ngẩm, lắc đầu.
Vợ ông Bấu, bà Nguyễn Thị Thảo (47 tuổi) chia sẻ, nước lèo ngon là do cách nêm nếm từ kinh nghiệm của người bán. Muốn níu chân thực khách, người bán còn phải biết đầu tư về các nguyên liệu khác như thịt, rau,…
Quan trọng nhất, người chủ và khu vực chế biến lúc nào cũng phải tươm tất, sạch sẽ thì mới mong có “bạn hàng quen”. Bởi đối với bà Thảo, dù là gánh hàng rong nhưng mọi thứ phải “chuẩn”. Đó cũng là lí do mà gánh hủ tiếu của vợ chồng bà tồn tại đến ngày hôm nay.
Mỗi tô có giá 20.000-25.000 đồng. Tiền bán được đã trừ hết một phần lớn vào vốn mua nguyên liệu, số còn lại bà Thảo xem như lấy công làm lời.
Từ 8h, vợ chồng bà dậy chuẩn bị nguyên liệu để kịp 15h dọn hàng. Hàng hủ tiếu của bà Thảo sẽ bán ở chợ 200 nằm trên đường Xóm Chiếu (quận 4) đến 20h, rồi mới bắt đầu dọn ra chợ Cầu Cống, bán đến 0h là nghỉ. Khách đến ăn hủ tiếu, đặt hàng liên tục khiến bà Thảo không lúc nào ngơi tay.
“Làm cái này phải đứng suốt, nhưng khi được nghỉ ngơi lại rất buồn. Vì chỉ được nghỉ khi bán ế”, bà Thảo cười, nói.
Gánh hàng rong nuôi 6 miệng ăn
Thời còn ở quê, vợ chồng ông Bấu kết hôn khi còn trong cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên những cánh đồng ở tỉnh Phú Thọ.
Cuộc sống làm nông vất vả, đồng tiền kiếm ra chỉ lấp được nửa cái bụng đói. Ông mới thưa với bố mẹ cho vào miền Nam lập nghiệp, thoát cảnh nghèo.
Thoạt đầu, bố mẹ ông phản đối kịch liệt. Sau vài lần thuyết phục, ông Bấu nhận được cái gật đầu miễn cưỡng. Thế rồi, vợ chồng ông bỏ lại 2 đứa con còn đỏ hỏn, nhờ đấng sinh thành nuôi dưỡng chúng nên người.
Năm 2001, trên chuyến xe đi vào miền nam, vợ chồng ông khóc không thành tiếng. Mỗi đoạn đường xe đi qua là nỗi lòng ông thêm nặng trĩu, tuy vậy, ông chỉ có gạt nước mắt, thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn.
Đến TPHCM, ông xin phụ việc ở một hàng hủ tiếu, tiền kiếm được chỉ đủ vợ chồng ông sống qua ngày. Ngẫm thấy như này mãi sẽ không có dư, ông nghỉ việc, gom tiền đóng một xe hủ tiếu tương tự và bắt đầu khởi nghiệp.
Thời gian đầu, vợ chồng ông bán từ chiều đến 2h sáng. Dọn hàng về đến nhà, vợ ông đếm tiền, thất thểu vì chỉ lãi được 8.000 đồng.
“Có những đêm tôi nằm khóc, trách sao số mình khổ quá. Vợ chồng tôi cũng định trở về quê vì buôn bán khó khăn. Nhưng rồi tôi sực nhớ sự quyết tâm thoát nghèo khi còn ngồi trên xe vào miền Nam, nhớ lại ánh mắt hi vọng của bố mẹ và tương lai của hai đứa con. Lúc đó, tôi biết mình không thể dừng lại, vì tôi không muốn các con vất vả như mình”, ông Bấu trải lòng.
Sau đó, vợ chồng ông Bấu tìm hiểu cách điều chỉnh hương vị sao cho hợp với người miền Nam. Để chiều lòng khách, ông Bấu và vợ lúc nào cũng nở nụ cười tươi, chân thành đối đáp với từng người.
Dần dà, lượng khách ngày càng đông hơn, tiền kiếm được từ gánh hủ tiếu giúp cho vợ chồng ông có cuộc sống ổn định. Hằng tháng, vợ chồng ông Bấu đều đặn gửi tiền về quê nuôi bố mẹ và hai con.
Mơ thoát đời rong ruổi, tìm chỗ ấm êm
Đã ngoài 50 tuổi nhưng số lần đón Tết tại quê nhà của vợ chồng ông Bấu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Về quê, biết bao nhiêu chi phí phải lo. Buôn bán thế này nghỉ một ngày cũng thấy tiếc. Chúng tôi phải hi sinh, để đánh đổi con chữ, chén cơm cho bố mẹ và các con”, bà Thảo bộc bạch.
Đêm giao thừa tết Nguyên đán năm ngoái, vợ chồng ông ngồi cạnh nồi nước lèo còn một nửa. Những vị khách là người lao động vừa tan làm, ghé ăn tô hủ tiếu cho ấm bụng, để đón một năm mới tốt đẹp hơn.
“Xem như cũng có người cùng đón giao thừa với vợ chồng tôi”, bà Thảo nói đùa.
Làm việc không ngừng nghỉ, sức khỏe vợ chồng ông Bấu không còn như trước. Bệnh thoát vị đĩa đệm khiến giấc ngủ của ông cũng trở nên chập chờn. Bà Thảo do đứng nhiều nên không tránh khỏi cảnh nhức mỏi những hôm trái gió, trở trời.
Sau gần 23 năm tha hương, ông Bấu và bà Thảo lãi nhiều nhất, chính là tương lai của các con. Hai người con của ông đã tốt nghiệp đại học, nay làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Dù nhiều lần con mở lời mong bố mẹ về quê, nhưng vợ chồng ông Bấu đành từ chối.
“Con tôi vào trong đây chơi được đúng 1 lần. Vì thấy cảnh bố mẹ cực quá, buồn không chịu được nên không dám vào nữa…”, ông Bấu kể.
“Trúng số, mua nhà, về quê”, đó là cái cách vợ chồng ông Bấu nói gọn ước mơ của mình.
Nói đến đây, ông Bấu trầm xuống. Ông tự hỏi, ước mơ ấy sao mà xa xôi quá, liệu nó có đến với vợ chồng ông sau ngần ấy năm rong ruổi, buôn gánh, bán bưng?
Ông Bấu vội quay lưng đi, gạt nước mắt để vợ không nhìn thấy. Người đàn ông chậm rãi leo lên chiếc xe đạp đã cũ. Tiếng gõ một lần nữa vang lên, bóng lưng ông Bấu khuất dần trong con hẻm nhỏ.
Bên này, bà Thảo tiếp tục múc nước lèo vào tô hủ tiếu. Khói trắng bốc lên kèm theo mùi thơm thoang thoảng.
Người phụ nữ tóc chớm bạc, lại thêm một lần trầm tư: “23 năm trôi qua, sao mà nhanh quá…”.