(Dân trí) – Giành học bổng trị giá 192.000 CAD (hơn 3,3 tỷ đồng) từ Đại học Toronto, Phạm Khánh Linh muốn áp dụng kiến thức học được theo đuổi giấc mơ xây dựng một mô hình giáo dục toàn diện.
Mối duyên với giáo dục
Phạm Khánh Linh (sinh năm 2005) là cựu học sinh lớp chuyên Anh 2 Trường THPT Chuyên Sư Phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khánh Linh đang dành sự quan tâm cho lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và giáo dục. Nữ sinh tâm sự, cô muốn theo đuổi giấc mơ xây dựng một mô hình giáo dục toàn diện qua lĩnh vực kinh tế – tài chính.
Khánh Linh cho biết: “Em đã từng nghĩ cả đời sẽ không bao giờ theo sư phạm giáo dục. Bố và mẹ em đều là những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Nhìn bố mẹ tần tảo bên bài vở đến khuya hay những lúc viêm họng nặng với mức lương không cao như những ngành nghề khác nên trước đây em không có nhiều thiện cảm với ngành này.
Tuy nhiên, qua quá trình tham gia các hoạt động và trải nghiệm, em nhận ra giá trị giáo dục mang lại cho con người và xã hội. Theo nghề giáo dục không hẳn là đứng trên bục giảng mà em muốn áp dụng những gì bản thân học được trong lĩnh vực kinh tế – tài chính để mang giá trị của giáo dục đi xa hơn nữa”.
Khánh Linh tham gia cuộc thi Đại sứ Chuyên Sư phạm năm học 2022-2023. (Ảnh: NVCC).
Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, Khánh Linh luôn ưu tiên lựa chọn các trường có ba yếu tố: Chất lượng giáo dục, môi trường sống và cơ hội việc làm lẫn định cư. Do đó, nữ sinh đặt mục tiêu vào các trường đại học danh tiếng tại Canada, Phần Lan và Úc.
Sau 3 năm chuẩn bị hồ sơ, Khánh Linh nhận được học bổng trị giá 192.000 CAD (hơn 3,3 tỷ đồng) từ Đại học Toronto, trường đại học hàng đầu Canada. Bên cạnh đó, nữ sinh còn được đề nghị 10 học bổng từ các trường danh tiếng của Úc và Phần Lan có giá trị hơn 4 tỷ đồng.
Khánh Linh thành công nhận được thư mời nhập học kèm học bổng từ Canada như: Đại học Alberta, Đại học York; Phần Lan (Đại học Aalto).
Không chỉ vậy, nữ sinh còn nhận được thư mời từ các trường đại học lớn tại Úc: Đại học Sydney, Đại học Monash, Đại học Queensland, Đại học Công nghệ Sydney. Ngoài ra, nữ sinh còn nhận được học bổng 80% ngành Quản trị Kinh doanh Đại học VinUni và thư trúng tuyển từ Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại Thương.
Khánh Linh cho biết: “Ý định đi du học bắt đầu nhen nhóm từ năm lớp 10 khi em có cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa và gặp gỡ các bạn đến từ nhiều quốc gia. Những trải nghiệm đa văn hóa cùng bản tính ưa khám phá, thử thách bản thân, em quyết tâm đặt mục tiêu xin học bổng để đi du học”.
Để sở hữu nhiều học bổng danh giá, Khánh Linh đã trải qua hành trình gian nan, mệt mỏi. “Trong quá trình làm hồ sơ, em gặp khá nhiều khó khăn nhưng em luôn may mắn nhận được sự ủng hộ từ gia đình và những người bạn thân thiết.
Khi bắt tay vào thực hiện, em cũng gặp phải vấn đề như các bạn chính là áp lực đồng trang lứa.
Nhìn thấy thành tích của các bạn xung quanh và tự so sánh bản thân với họ khiến em cảm thấy mình thất bại. Ngoài ra, việc phải tự tìm kiếm học bổng và lọc thông tin cũng là khó khăn lớn đối với em. Để có bộ hồ sơ hoàn hảo, em đã phải tham khảo từ nhiều kênh, hội thảo và xin lời khuyên của các vị tiền bối để tránh rơi vào “bẫy” thông tin làm mình mơ hồ”, Khánh Linh tâm sự.
Bài luận lấy cảm hứng từ mẹ
Linh cho biết, thời điểm cuối lớp 10, nữ sinh phải học ở nhà vì dịch bệnh. Vì vậy, Linh có thể tận dụng thời gian và tham gia được rất nhiều hoạt động cả trong và ngoài nước. Nữ sinh tham gia làm đại sứ truyền thông, thực tập sinh cho các chương trình, dự án để học hỏi kinh nghiệm.
Nhờ việc tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, đến năm lớp 12, Khánh Linh tích lũy được nhiều kỹ năng. Qua đó, nữ sinh có thể hiểu bản thân mình hơn. Tuy nhiên, với Linh, việc học vẫn luôn là điều kiện tiên quyết trong quá trình săn học bổng nên nữ sinh luôn chú trọng điểm số lẫn thành tích học tập.
Theo Khánh Linh, trong khoảng thời gian cao điểm, để đảm bảo học tập trên lớp, ôn thi chứng chỉ và tham gia hoạt động, cô sẽ lên trước kế hoạch dài hạn (1-3 tháng) và ngắn hạn (1 tuần).
Thế nhưng cô gái cũng thú nhận là người dễ bị xao nhãng trong việc học. “Chỉ cần một thông báo tin nhắn là em sẽ cầm điện thoại cả tiếng. Vì vậy, để duy trì sự tập trung em đã sử dụng phương pháp Pomodoro (phương pháp quản lý thời gian) cùng các video Study with me (những video có độ dài từ 30 phút đến 10 giờ ghi lại quá trình tự học của các Youtuber)”, Linh cho hay.
Chân dung Phạm Khánh Linh. (Ảnh: NVCC).
Khánh Linh chia sẻ, ở bước viết luận, viết resume (bản tóm tắt hồ sơ cá nhân) và làm portfolio (tổng hợp danh mục dự án mà ứng viên đã từng tham gia thực hiện), nữ sinh đã lấy mẹ làm nguồn cảm hứng cho bài viết của mình.
“Em muốn cảm ơn mẹ vì đã trở thành nguồn cảm hứng để em viết bài luận. Mẹ luôn ở bên động viên, chăm sóc em những lúc em muốn bỏ cuộc”, Linh nói.
Trong bài luận, Linh đã sử dụng câu chuyện về mẹ của mình để bày tỏ suy nghĩ cá nhân về thiên chức của một người mẹ: “Đôi khi, chính sự tung hô dành cho những người mẹ đã vô tình tạo thành một diễn ngôn ràng buộc trách nhiệm, kìm hãm sự phát triển cá nhân.
Lúc trẻ mẹ có rất nhiều ước mơ nhưng vì trách nhiệm với gia đình nên mẹ đã bỏ lỡ những giấc mơ ấy. Vì thế, mẹ từng nói với em rằng, mẹ luôn muốn con gái có cơ hội thử sức, phấn đấu và theo đuổi ước mơ của mình. Đó là cảm hứng đã giúp em nhận được những thành tích tốt sau khi em viết bài luận này”, Linh bộc bạch.
Linh cho biết, đã có nhiều lúc nữ sinh cảm thấy bản thân không đủ tốt nên muốn dừng lại tất cả mọi việc. Tuy nhiên, sự động viên, ủng hộ của mẹ đã giúp nữ sinh vượt lên tất cả.
Dành một năm để nghỉ ngơi
Khánh Linh cảm thấy may mắn khi bố mẹ luôn tôn trọng quyết định của cô. Thay vì phản đối, cả gia đình Linh sẽ cùng nói chuyện với nhau để phân tích vấn đề, đưa ra lời khuyên và trợ giúp con cái hết mức có thể. Vì vậy, gia đình cũng là nguồn động lực lớn để Linh đi tới hành trình ngày hôm nay.
Khánh Linh chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn tại Câu lạc bộ tranh biện CDS – CSP Debate Society (THPT Chuyên Sư phạm). (Ảnh: NVCC).
Trước khi đi du học, Khánh Linh có cân nhắc đến sự cô đơn và khác biệt môi trường sống như văn hóa, con người khi sống xa nhà. Vì vậy, trước những rào cản đó, nữ sinh quyết định dành một năm ở nhà để trau dồi và phát triển bản thân cả về kiến thức, kỹ năng và tâm lý trước khi tới đất nước khác.
Hiện Khánh Linh đang có một năm gap year (kỳ nghỉ kéo dài 12 tháng), khám phá bản thân và thực hiện những kế hoạch, dự định. “Một năm nghỉ ngơi thực sự dạy cho em rất nhiều điều và em nghĩ bản thân đã có thể sẵn sàng với cuộc sống mới ở một đất nước khác”, Linh cho hay.
Cô Thảo, mẹ Linh tâm sự: “Đối với cô chú, vì cũng không thể chọn được con mình sinh ra như thế nào, mỗi một bạn lại có những đặc điểm riêng trong tính cách và suy nghĩ. Trong quá trình con lớn lên, cô chú mong con có cơ hội để được tự do tìm hiểu và phát triển khả năng của mình.
Gia đình sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và đưa ra lời khuyên cho con. Chứng kiến mỗi bước trưởng thành của con là một sự hạnh phúc với người làm cha mẹ như cô chú”.
Chia sẻ về dự định trong tương lai của bản thân, Khánh Linh cho hay: “Em đang dành thời gian để học những khóa học ngắn hạn và hoàn thành các dự án liên quan tới giáo dục mà em đã lên kế hoạch từ trước. Ở 4 năm đại học, em muốn dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu cho những kế hoạch vì giáo dục mà em muốn theo đuổi trong tương lai xa hơn”.
Qua đó, Linh hy vọng các bạn trẻ đang có ý định du học sẽ dám thử để không bao giờ phải hối hận.
Thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa của Khánh Linh:
– GPA lớp 10: 9.5; lớp 11: 9.5; lớp 12: 9.6
– IELTS 8.0
– Đại diện Trường THPT Chuyên Sư phạm tham gia chương trình hợp tác với học sinh Nhật Bản
– Trợ lý nghiên cứu đề tài “Phát triển xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường Liên minh châu Âu” dưới sự hướng dẫn của TS Đào Trường Thành, đăng trên tạp chí “Công nghiệp và Thương mại” số 76 (tháng 10/2022)
– Đồng tác giả đề tài nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp xanh hướng đến nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” cùng Thạc sĩ Vũ Trí Tuấn, tham gia Hội thảo Khoa học quốc gia tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
– Chủ tịch CLB tranh biện CDS – CSP Debate Society (THPT Chuyên Sư phạm) năm học 2021-2022
– Giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp Trường Đại học Sư phạm môn tiếng Anh 2022-2023
– Quán quân ISME Debate Contest (cuộc thi tranh biện) 2022 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức
– Top 10 thí sinh chung kết Mount 2 Public Speaking Contest 2022, Trường Đại học VinUni bảo trợ
– Top 3 người nói xuất sắc nhất chung kết Chuyên Nguyễn Huệ Debate Open (cuộc thi tranh biện) 2022.
Dantri.com.vn