Trong phiên họp Quốc hội mới đây, các đại biểu kiến nghị xem lại quy định về quản lý dạy thêm và đề xuất xem dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh.
Xét về phương diện nào đó, đề xuất này cũng mang yếu tố tích cực. Tính tích cực nằm ở cái tâm trong sáng của người thầy dạy thêm: không mớm đề, công bằng với mọi học sinh, không ép học thêm bằng bất cứ hình thức nào… và cái tâm của bậc phụ huynh: con học thêm không vì điểm số, mua … thầy.
Báo đài đã “đưa ra ánh sáng” những trường hợp dạy thêm không trong sáng, khiến dư luận bức xúc, nhưng đây cũng chỉ là con số khiêm tốn so với trường hợp còn “trong bóng tối”. Ngay cả đối với Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới, học sinh tưởng chừng như không còn học thêm hoặc rất ít học thêm, thế nhưng dạy thêm vẫn nở rộ.
Trên thực tế, việc học sinh không đi học thêm với giáo viên “có tâm không trong sáng” sẽ chịu thiệt thòi hơn những bạn học thêm về nhiều khía cạnh: điểm số, quan hệ thầy trò. Không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng “ráng” cho con học thêm vì… không học thì không được. Chưa kể, một số thầy cô dùng những “chiêu trò” buộc học sinh phải học thêm.
Tóm lại, dạy thêm, học thêm không có gì là xấu khi người dạy lẫn người học đều có cái tâm trong sáng. Đó là mấu chốt của vấn đề.
Trước đây, tôi từng công tác tại một trường tư thục. Ban giám hiệu cấm thầy cô dạy thêm vì nhà trường tổ chức bán trú, bán nội trú, nội trú. Điều này đồng nghĩa các em học cả ngày ở trường thì không có lý do gì để phải “gánh” thêm thời gian, công sức và tiền bạc để học thêm. Không phải học thêm, các em được cởi trói về áp lực, có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và không thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Nhà trường cũng nghiêm cấm thầy cô đưa học trò về dạy tại nhà vào buổi tối, cuối tuần để đảm bảo sự công bằng. Không học thêm tại nhà thầy cô, đồng nghĩa học sinh không được “mớm đề”, biết đề trước. Đó là sự công bằng rất quan trọng trong cuộc sống, và nó cần bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố giáo dục vô cùng quan trọng. Nếu ban giám hiệu phát hiện giáo viên dạy thêm học sinh của trường thì sẽ đuổi việc thầy cô đó.
Giáo viên không được ép học sinh đi học thêm
Nếu chuyển sang không cấm dạy thêm, xem dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện thì ngành giáo dục phải có biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên tìm cách “ép” học sinh phải đi học thêm.
Một phụ huynh từng kể với tôi về việc bị cô giáo tiểu học tìm cách ép con đi học thêm. Vào đầu năm học lớp 5, phụ huynh thường xuyên kiểm tra vở của con và thấy cô giáo nhận xét hoàn thành và thực hiện tốt các bài tập, tính toán đúng, chính xác, có lời giải hay, trình bày sạch. Dựa theo nhận xét đánh giá của cô giáo, chị nghĩ rằng con mình học tốt nên không cần phải học thêm.
Một tuần sau đó, cô giáo chủ nhiệm liên tục gọi điện thoại cho chị, nói rằng, trong tổng số 37 học sinh của lớp, có 35 em đã đến nhà cô học thêm. Dù vậy, phụ huynh kiên quyết không cho con đi học thêm vì con đã học bán trú cả ngày ở trường.
Phụ huynh này cho rằng cô giáo tiếp tục gọi điện thoại gây áp lực và nói: “Con chị trong lớp học còn thua xa bạn bè nhiều lắm, chị không cho con học thêm thì tùy chị. Cuối năm, nếu em không được nhà trường khen thưởng thì chị ráng chịu và đừng buồn trách”. Quá bức xúc, phụ huynh gửi đơn phản ánh đến phòng GD-ĐT.
Trong một trường hợp khác mà tôi được biết, học sinh mới vào lớp 1 được một tuần thì cô giáo than thở với phụ huynh rằng bé học quá yếu, không biết cách cầm bút. Cô giáo mời người mẹ này cùng 3 phụ huynh khác đến trường để trao đổi. Tại buổi làm việc, người mẹ hỏi: “Con trai tôi học yếu như thế nào vậy cô?”.
Cô giáo đáp: “Mọi thứ em đều yếu, kể cả cầm viên phấn cũng không được cứng, tôi đề nghị phụ huynh ngay trong chiều nay liên hệ với trung tâm dạy thêm gần trường đăng ký cho con mình học thêm cho con mình vững”.
Trần Văn Tám