Ngân sách ít, khó thu hút vốn đầu tư bên ngoài, thủ tục đền bù, tái định cư phức tạp khiến kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh ở TP HCM 15 năm qua đều không đạt.
Sau 20 năm, qua nhiều giai đoạn triển khai các chương trình giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, TP HCM hiện di dời được gần 40.000 trong hơn 65.000 căn. Việc giải toả nhà lụp xụp ven kênh rạch và bố trí nơi ở mới cho hàng chục nghìn hộ dân giúp chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới ở nhiều tuyến kênh như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hoá – Lò Gốm…
Tuy nhiên, so với giai đoạn 1993-2005, được đánh giá thành công, các kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch ở thành phố thời gian sau liên tục “phá sản”. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, TP HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch thông qua 17 dự án, nhu cầu vốn hơn 19.000 tỷ đồng. Nhưng đến hết quý 2 năm nay, thành phố mới bồi thường và dời được 657 căn, đạt hơn 10%. So với mục tiêu đề ra, kết quả trên quá khiêm tốn khi thời gian thực hiện chỉ còn hai năm.
Theo tiến độ dự kiến được Sở Xây dựng đưa ra, từ nay đến năm 2025 thành phố sẽ hoàn tất bồi thường và dời thêm gần 3.600 căn, nâng tổng số lên 4.250 căn. Các trường hợp được di dời này chủ yếu ở dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) và bờ Bắc kênh Đôi (quận 8). Dù vậy, con số trên cũng chỉ đạt khoảng 65% so với kế hoạch.
Trước đó, giai đoạn 2016-2020 TP HCM cũng đặt mục tiêu di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, nhằm tạo lập cuộc sống tốt hơn cho người dân và chỉnh trang đô thị, chống ngập, giảm ô nhiễm… Tuy nhiên, kế hoạch trên không thành công khi hết nhiệm kỳ, tổng số hộ sống trên và ven kênh rạch được di dời chỉ gần 2.500, đạt 12,4% chỉ tiêu. Giai đoạn 2011-2015, thành phố cũng lên kế hoạch di dời khoảng 14.000 căn, nhưng kết quả chỉ hơn 3.300, đạt gần 24% chỉ tiêu.
Ông Lý Thanh Long, Chánh văn phòng Sở Xây dựng, cho biết trở ngại lớn nhất khiến giải toả nhà trên và ven kênh rạch không đạt như kỳ vọng là thiếu vốn. Hiện, hầu hết các dự án dạng này dùng ngân sách, song nguồn vốn hạn hẹp, thành phố lại phải cân đối cho nhiều công trình hạ tầng khác. Chưa kể, nguồn này cũng đang hạn chế cấp cho dự án không có mặt bằng sạch hoặc gặp vướng mắc về đền bù.
Ngân sách hạn chế, trong khi việc thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài lại gặp khó khăn. Theo ông Long, từ năm 2020 Luật Đầu tư đối tác công tư (PPP) đã bỏ hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Do vậy, với các dự án chỉnh trang kênh rạch, nhà đầu tư không còn được thanh toán bằng quỹ đất mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích sau khi di dời nhà. Điều này giảm tính hấp dẫn khi mời gọi doanh nghiệp tham gia các dự án.
Mặt khác, đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết thủ tục bồi thường, tái định cư ở các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch rất phức tạp, bởi đa số các hộ không có giấy tờ, xây dựng lấn chiếm… Điều này dẫn đến quá trình xác minh, đền bù chậm, kéo dài thời gian. Chưa kể nhiều trường hợp người dân khiếu nại, chậm giao mặt bằng cho các chủ đầu tư.
ThS Vương Quốc Trung, Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển TP HCM, cũng cho rằng khó khăn lớn nhất khi di dời nhà trên, ven kênh rạch ở địa bàn là nguồn vốn và tái định cư cho người dân. Ông dẫn chứng với khoảng 2.600 căn nhà tạm ven bờ Nam Kênh Đôi và xây kè, thành phố cần đến 9.000 tỷ đồng để giải toả. Bên bờ Bắc kênh Đôi cũng cần gần 2.600 tỷ để dời khoảng 1.017 căn nhà lụp xụp.
Theo ông Trung, trước đây thành phố từng thành công với chương trình chỉnh trang đô thị, điển hình như dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Theo đó, hơn 1,5 triệu dân thuộc 7 quận hai bên bờ kênh đã được di dời. Tuy nhiên, các giai đoạn sau, dù thành phố rất nỗ lực giải tỏa nhưng kết quả vẫn hạn chế vì khó khăn nguồn lực.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng thành phố, đánh giá các chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn trước đây thuận lợi hơn khi có nguồn tài chính lớn từ các quỹ đất công. Theo đó, thành phố áp dụng chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tạo nguồn vốn làm các khu tái định cư và di dời người dân sống trên và ven kênh rạch.
Một thuận lợi khác là trước đây, thành phố có thể huy động nguồn vốn vay ODA không hoàn lại hoặc lãi suất ưu đãi để đầu tư các dự án chỉnh trang. Đồng thời, quỹ đất khi đó cũng có nhiều, tạo điều kiện áp dụng đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT) – điều mà hiện nay rất khó vì hầu như đất trống không còn, pháp lý cũng thay đổi.
Theo ông Cương, trong bối cảnh hiện nay, cùng với các giải pháp huy động nguồn vốn, việc cải tạo kênh rạch ở thành phố không nên cục bộ trên tuyến mà nên gắn với chỉnh trang đô thị xung quanh để tạo đồng bộ trong phát triển kinh tế, xã hội.
Còn theo ThS Vương Quốc Trung, để có vốn di dời nhà ven kênh rạch, thành phố nên đa dạng các nguồn như từ Trung ương, nhà đầu tư, vốn vay của các tổ chức tài chính cùng cơ chế quản lý tài chính khác nhau. TP HCM cũng cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự án di dời nhà ven, trên kênh thông qua hình thức đối tác công – tư. Trong đó, nhà đầu tư có thể góp vốn vào dự án và thu lợi nhuận thông qua phát triển khu tái định cư mới sau khi di dời…
Trong khi đó, theo Sở Xây dựng, sắp tới nếu TP HCM được Quốc hội cho sử dụng nguồn vốn dự kiến tăng thêm giai đoạn 2021-2025 (khoảng 119.000 tỷ đồng), thành phố sẽ tiếp tục cân đối để bố trí vốn cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch. Việc chuẩn bị các thủ tục cho các dự án dùng vốn ngoài ngân sách cũng đang được triển khai để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình.
Hiện, hai dự án lớn chỉnh trang kênh rạch được TP HCM đang triển khai kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, đi qua 8 quận, huyện với tổng vốn 8.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Thành phố cũng đang chuẩn bị triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, kinh phí hơn 9.600 tỷ đồng. Trong đó, gần 2.000 hộ ở trên và ven rạch sẽ được di dời và bố trí tái định cư mới.
Gia Minh