Theo dự thảo, cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học sẽ không tính giải nhất, nhì, ba, tư như hiện nay, mà xếp giải theo 3 mức huy chương vàng, bạc, đồng.
Tỷ lệ đạt giải cuộc thi cũng thay đổi. Số dự án giành huy chương vàng chiếm tối đa 10% trong tổng dự án, gấp đôi mức 5% của giải nhất theo quy định hiện hành. Tương tự, tỷ lệ dự án giành huy chương bạc tăng từ 10% lên 20%, huy chương đồng từ 15% lên 40%. Tổng tỷ lệ giải tăng từ 50% lên 70%.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến thay đổi tiêu chí đánh giá dự án. Tổng điểm vẫn là 100, nhưng điểm của phần thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu giảm từ 20 xuống 15. Phần chênh lệch được bù sang tiêu chí sáng tạo, tăng từ 20 lên 25 điểm. Những tiêu chí còn lại không thay đổi số điểm.
Đặc biệt, dự thảo thông tư này có 2 nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, bỏ nội dung: “khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học”.
Thứ hai, rút từ 22 lĩnh vực dự thi như quy định hiện hành xuống còn 8 lĩnh vực.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Các dự án cần đảm bảo tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không sử dụng hay trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là của học sinh.
Việc Bộ GD-ĐT công bố dự thảo sửa quy định về thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học là rất cần thiết. Nhiều năm gần đây, năm nào dư luận cũng “lùm xùm” về tính trung thực của kỳ thi các cấp, đặc biệt là những học sinh có dự án dự thi và đoạt giải được nhiều trường ĐH lớn cộng điểm hoặc tuyển thẳng vào ĐH.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, việc Bộ GD-ĐT bỏ quy định khuyến khích các cơ sở đào tạo, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các dự án nghiên cứu của học sinh, giảm hẳn số lĩnh vực dự thi cũng góp phần giúp cuộc thi dần đi vào thực chất hơn.
Toàn văn dự thảo xin xem thêm TẠI ĐÂY