Thông tin do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa công bố ngày 24/11 trong báo cáo mới nhất “Ngành Dầu khí trong chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0”. IEA chỉ ra, các nhà sản xuất dầu mỏ phải lựa chọn giữa việc góp phần làm tăng mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu, hoặc trở thành một phần của giải pháp ứng phó BĐKH bằng cách chuyển sang năng lượng sạch.
Ngành dầu khí hiện cung cấp hơn một nửa nguồn cung năng lượng toàn cầu và sử dụng gần 12 triệu người lao động. Tuy vậy, các công ty dầu khí chỉ chiếm 1% đầu tư vào năng lượng sạch trên thế giới, và hơn một nửa nguồn đầu tư chỉ đến từ 4 công ty.
Theo các dự báo mới nhất của IEA, ngay cả với các chính sách hiện nay, nhu cầu toàn cầu về cả dầu và khí đốt sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2030. Việc các bên triển khai hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đồng nghĩa với nhu cầu hai loại nhiên liệu này sẽ giảm rõ rệt. Nếu các chính phủ thực hiện đầy đủ các cam kết về khí hậu và năng lượng quốc gia, nhu cầu sẽ giảm 45% so với mức hiện nay vào năm 2050. Trường hợp theo lộ trình đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ, việc sử dụng dầu và khí đốt sẽ giảm hơn 75% vào năm 2050. Trong kịch bản đó, nhu cầu
sụt giảm đủ mạnh để không cần đến các dự án dầu khí truyền thống dài hạn mới. Một số hoạt động sản xuất dầu khí hiện tại thậm chí sẽ cần phải ngừng hoạt động.
Tính toán cho thấy, tổng giá trị các công ty dầu khí tư nhân toàn cầu khoảng 6 nghìn tỷ USD. Và theo dự báo, trong quá trình thế giới chuyển đổi năng lượng để đạt mức phát thải ròng bằng 0, giá trị của các công ty dầu khí tư nhân có thể giảm 25% nếu tất cả các mục tiêu về khí hậu và năng lượng quốc gia đều đạt được; và giảm tới 60% nếu thế giới đi đúng hướng hạn chế nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng ở mức 1,5°C.
Để phù hợp với kịch bản 1,5°C, lượng phát thải của chính ngành này cần phải giảm 60% vào năm 2030.
Giám đốc điều hành IEA, ông FaƟh Birol khẳng định: Tại Hội nghị COP28 ở Dubai sắp tới, các nhà sản xuất dầu khí trên khắp thế giới cần đưa ra cam kết mạnh mẽ giúp thế giới đáp ứng nhu cầu năng lượng và các mục tiêu về khí hậu, thay vì đặt kỳ vọng vào các giải pháp thu hồi các-bon.
Ngành dầu khí có vị trí thuận lợi để mở rộng quy mô một số công nghệ quan trọng nhằm chuyển đổi năng lượng sạch. Trên thực tế, khoảng 1/3 nguồn năng lượng tiêu thụ vào năm 2050 trong hệ thống năng lượng khử cacbon đến từ các công nghệ có thể được hưởng lợi từ kỹ năng và tài nguyên của ngành – bao gồm hydro, thu hồi các-bon, điện gió ngoài khơi và nhiên liệu sinh học dạng lỏng. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi phải có sự thay đổi từng bước trong cách phân bổ nguồn lực tài chính của ngành, trên cơ sở xây dựng một kế hoạch giảm phát thải toàn diện từ các hoạt đống sản xuất, kinh doanh.