Một dãy nhà ở của “Xóm Việt kiều” trở về từ Campuchia được xây dựng tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng
Theo đó, Chủ tịch nước ký cho nhập quốc tịch Việt Nam 83 trường hợp, trong đó, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành cấp giấy khai sinh cho 65 trường hợp (18 trường hợp còn lại bỏ địa phương không xác định được nơi đến); làm thủ tục cấp căn cước công dân cho 40 trường hợp (còn 43 trường hợp chưa cấp do chưa đủ tuổi, hoặc do sau khi nhập quốc tịch, công dân đi làm ăn không có mặt ở địa phương). Hiện còn 467 hộ, 1.975 nhân khẩu không đủ điều kiện đăng ký thường trú (đăng ký tạm trú 270 hộ, 1.271 nhân khẩu); số còn lại thường xuyên di biến động qua lại biên giới để làm việc, lao động mùa vụ, thăm thân,… Trong số này, cơ quan quản lý xác minh và chuyển hồ sơ đề nghị Cục Tư pháp xem xét nhập quốc tịch Việt Nam cho 37 trường hợp Việt kiều Campuchia hiện sinh sống trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng. Đồng thời, Công an tỉnh cấp 379 thẻ thường trú cho các trường hợp là Việt kiều Campuchia.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đăng ký khai sinh cho 527 trẻ em là con của Việt kiều Campuchia di dân tự do về Việt Nam trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho 40 em đến học tại các lớp tình thương vào buổi tối, hiện đa số các em đều biết đọc, biết viết. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thường xuyên hỗ trợ các gia đình Việt kiều Campuchia có hoàn cảnh khó khăn như tặng quà, nhu yếu phẩm.
Theo Đại tá Trần Văn Hà – Phó Giám đốc Công an tỉnh, thực hiện theo chỉ đạo, công an các địa phương rà soát, lập hồ sơ 1.604 trường hợp là công dân không có quốc tịch sinh sống trên địa bàn tỉnh. Từ đó, cập nhật các trường hợp trên vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với trạng thái “chưa xác định được quốc tịch”, tạo dữ liệu sẵn có để làm căn cứ đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân ngay khi công dân được cơ quan tư pháp giải quyết cấp giấy tờ hộ tịch, quốc tịch.
Thông tin từ UBND tỉnh, công tác quản lý nhân khẩu đặc biệt vẫn gặp những khó khăn. Tỉnh có đường biên giới dài trên 134km chủ yếu là đường bộ, có đường mòn, lối mở thuận tiện cho công dân Việt Nam ở nước ngoài qua lại Việt Nam dễ dàng; công tác phối hợp giữa các lực lượng đôi lúc chưa nhịp nhàng, chưa nắm hết số lượng người Việt Nam ở nước bạn qua lại biên giới Việt Nam dẫn đến công tác nắm di biến động của những trường hợp này còn gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, đa số Việt kiều Campuchia không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc Việt Nam nên khó xác định được quốc tịch Việt Nam. Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các trường hợp này nhưng do chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định quốc tịch, giải quyết đăng ký, quản lý cư trú, cấp căn cước cho công dân nên gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của Việt kiều Campuchia, người không quốc tịch đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Hiện UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương trong công tác quản lý nhân khẩu đặc biệt. Cụ thể là kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đặc thù để giải quyết về nhà ở, đất ở cho các đối tượng Việt kiều Campuchia an tâm làm ăn, sinh sống ổn định trên lãnh thổ Việt Nam; có chế độ bảo hiểm y tế đối với trẻ em là Việt kiều Campuchia chưa xác định quốc tịch Việt Nam để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam; ban hành quy định về việc nhập quốc tịch Việt Nam, cấp giấy khai sinh cho các trường hợp trên khi họ làm ăn, sinh sống ổn định, lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam./.
Vũ Quang