Chườm ấm, tập yoga, tránh lo lắng giúp người bệnh viêm loét đại tràng giảm hoặc phòng tránh co thắt ở cơ bụng.
Chuột rút bụng (cơ bụng co thắt đột ngột) gây đau rất thường gặp ở người bệnh viêm loét đại tràng. Nguyên nhân là do đại tràng viêm không thể xử lý và hấp thụ nước hiệu quả dẫn đến co thắt cơ bụng thường xuyên. Dưới đây là các biện pháp hỗ trợ kiểm soát tình trạng này, giảm đau bụng.
Tránh thực phẩm gây kích hoạt
Chuột rút bụng có xu hướng bùng phát sau bữa ăn do khó tiêu hóa thức ăn. Sữa, đồ uống có ga và thực phẩm chế biến sẵn có thể kích hoạt, khiến viêm và đầy hơi nặng hơn, tăng cơn đau và co thắt dạ dày. Theo Tổ chức Bệnh Crohn và Viêm đại tràng Mỹ, người bệnh ghi lại nhật ký ăn uống giúp phát hiện thức ăn làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng. Người bệnh nên ăn đồ mềm, nhạt như chuối, bánh mì nướng.
Chườm ấm
Dùng nhiệt có thể giảm đau cơ vùng bụng. Để bớt chuột rút bụng do viêm loét đại tràng, người bệnh áp chai nước ấm vừa phải vào bụng hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên bụng cho đến khi khăn nguội.
Tập yoga
Một số động tác yoga giúp giãn cơ, giảm đau do viêm loét đại tràng. Theo nghiên cứu năm 2015 của Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn, trên 100 bệnh nhân viêm loét đại tràng, những người tập yoga một giờ mỗi ngày ít đau bụng và ít co thắt hơn sau 8 tuần so với người không tập yoga.
Nghiên cứu khác công bố năm 2017 của Trường Đại học Duisburg Essen (Đức), với 77 bệnh nhân, cho thấy người tập yoga 90 phút hàng tuần, trong 12 tuần, ít bùng phát triệu chứng viêm loét đại tràng hơn người chỉ đọc sách và thực hiện kỹ thuật thư giãn khác, không tập yoga.
Kiểm soát trầm cảm và lo âu
Theo Tổ chức Bệnh Crohn và Viêm đại tràng Mỹ, người mắc các bệnh viêm ruột, gồm viêm loét đại tràng có nguy cơ trầm cảm và lo lắng cao hơn bình thường. Trầm cảm và lo lắng làm cho đau bụng, co thắt dạ dày do viêm loét đại tràng nặng hơn.
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, các dấu hiệu trầm cảm gồm thay đổi khẩu vị đột ngột, rối loạn giấc ngủ, mất hứng thú với mọi người hoặc các hoạt động từng yêu thích.
Lo lắng khiến người bệnh bồn chồn, cáu kỉnh hoặc khó tập trung. Triệu chứng của lo lắng gồm căng cơ, khó kiểm soát cảm giác lo âu, mệt mỏi, gặp vấn đề về giấc ngủ. Người bệnh nên tham vấn với bác sĩ tâm lý học khi lo lắng quá mức, có dấu hiệu trầm cảm.
Tuân thủ điều trị
Thuốc giảm đầy hơi làm phá vỡ bọt khí trong đường tiêu hóa. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ dùng thuốc chống co thắt nhằm giảm đau bụng, cẩn trọng nếu dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Một số thuốc giảm đau và thuốc chống viêm không steroid có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng. Tốt nhất người bệnh nên đến bác sĩ khám để được tư vấn dùng thuốc.
Khi đau dạ dày, co thắt thường xuyên bùng phát dù đang dùng thuốc, người bệnh nên hỏi bác sĩ để điều chỉnh. Bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị mới hoặc thay đổi liều dùng thuốc.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |