Nhu cầu tăng cao tạo áp lực lên giá gạo xuất khẩu
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tuần tới nay, giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đã liên tục được điều chỉnh tăng; trong đó, gạo Thái Lan tăng khoảng 12 USD/tấn, gạo của Pakistan tăng từ 15-17 USD/tấn.
Tính chung cả tuần trước, thì hiện nay, giá gạo của Thái Lan và Pakistan đã cùng tăng khoảng 25 USD/tấn).
Ngược với xu thế đó, sau khi được điều chỉnh tăng 10 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 21.11.2023, giá gạo của Việt Nam đã giảm nhẹ 5 USD/tấn. Ngày 24.11.2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 658 USD/tấn, giá gạo 25% tấm ở mức 643 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan chào bán với giá 590 USD/tấn, gạo 25% tấm chào bán với giá 548 USD/tấn; gạo 5% tấm của Pakistan có giá 583 USD/tấn và gạo 25% tấm có giá 503 USD/tấn. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới.
Lý giải về nguyên nhân giá gạo trên thế giới tiếp tục tăng “nóng” trở lại sau gần 3 tháng giảm sâu, ông Nguyễn Quang Hòa – CEO Dương Vũ Rice cho hay: Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có nhu cầu mua gạo với số lượng lớn. Cụ thể, mới đây, Bộ Nông nghiệp Philippines đã yêu cầu thương nhân nhập khẩu thêm 1 triệu tấn gạo trong 30 ngày, để tăng nguồn cung trong nước và kiểm soát giá của mặt hàng chủ lực quốc gia.
Một thông tin đáng chú ý khác, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2024, Indonesia và Nigeria sẽ nằm trong nhóm những nước mua gạo lớn nhất thế giới với sản lượng dự kiến khoảng 2 triệu tấn.
“Lượng gạo nhập khẩu này được trông đợi sẽ đến từ nguồn cung của Việt Nam và Thái Lan. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo”, ông Hòa đánh giá.
Lợi thế gạo Việt càng tăng khi giá gạo xuất khẩu thế giới tăng
Các thương nhân ngành lúa gạo cho rằng, ngoài lợi thế về chất lượng, để giành được hợp đồng xuất khẩu, giá rẻ là một điểm cộng rất lớn. Nếu gạo xuất khẩu của thế giới tăng mạnh, trong khi giá gạo Việt ổn định thì lợi thế của gạo Việt càng lớn hơn.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh: Đôi khi chỉ chênh nhau 1-2 USD/tấn cũng có thể giành được hoặc để mất 1 hợp đồng xuất khẩu gạo, chính vì vậy, nếu cả chất lượng và giá gạo cùng ổn định, thì lợi thế cho xuất khẩu sẽ càng lớn. Việt Nam đang có cả lợi thế là chất lượng ổn định, gạo thơm ngon tạo hương vị khó quên nên người ăn khó quên.
“Dù giá gạo của Việt Nam đang cao nhất thế giới, nhưng gạo Việt có rất nhiều lợi thế, trong đó lợi thế lớn nhất là chất lượng thơm ngon do thu hoạch đến đâu xuất khẩu đến đó, được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng vì luôn được ăn gạo mới, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gạo thu hoạch từ các vụ cũ. Do đó, Việt Nam không lo không bán được gạo. Điều này lý giải vì sao nguồn cung dành cho xuất khẩu của gạo Việt không bao giờ dư thừa” – ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh.
Trước ý kiến lo ngại giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới sẽ khó cạnh tranh với gạo Thái Lan, Miến Điện, Pakistan…, ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng khẳng định: Vấn đề cạnh tranh không đáng lo ngại, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm và ngày càng có uy tín cao trên thị trường thế giới.
“Có cần thiết phải lo bị cạnh tranh không khi giá cao nhưng vẫn bán được, thậm chí nhiều doanh nghiệp hiện không có gạo để bán. Vậy thì hà cớ gì phải giảm bớt giá xuống? Ngành hàng lúa gạo Việt Nam hoạt động theo cung cầu của thị trường, nếu bán không được thì tự nhiên người bán phải giảm giá và ngược lại” – ông Phạm Thái Bình nói.
Trong khi ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu 7,5-7,8 triệu tấn gạo, thì nhiều thương nhân tự tin khẳng định: Nếu có thêm nguồn cung từ Campuchia, thì lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể lên đến trên 8 triệu tấn.