Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất cho phụ nữ được đánh giá dựa trên các yếu tố như nhận thức về bình đẳng giới, bình đẳng thu nhập, sự tiến bộ và an toàn của một quốc gia.
Vừa qua, cùng với bảng xếp hạng tổng thể các Quốc gia Tốt nhất năm 2023, US News cũng đưa ra bảng xếp hạng các Quốc gia Tốt nhất dành cho Phụ nữ năm 2023.
Kết quả bảng xếp hạng được rút ra từ phản hồi khảo sát toàn cầu của gần 9.000 phụ nữ và nêu bật các quốc gia mà theo nhận thức của người trả lời về bình đẳng giới và bình đẳng thu nhập của một quốc gia, về việc đất nước đó có tiến bộ và an toàn, hay quan tâm đến các quyền nói chung của con người hay không.
Gần 90% số người trả lời tổng thể trong cuộc khảo sát toàn cầu đồng ý ở một mức độ nào đó với tuyên bố: “Phụ nữ phải được hưởng các quyền giống như nam giới”, trong đó tỷ lệ ở một số quốc gia giảm so với các năm trước, còn một số quốc gia như các nước Bắc u (Scandinavi) thì tỷ lệ cao hơn 90%.
Việt Nam tăng 5 bậc
Việt Nam ở vị trí thứ 69 trong bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất dành cho phụ nữ, tăng 5 bậc so với hạng 74 vào năm 2022.
Trong bài viết được Quỹ tiền tệ quốc tế đăng tải của nhóm tác giả Angana Banerji, Sandile Hlatshwayo, Albe Gjonbalaj, Anh Van Le, Việt Nam cũng được đánh giá là một ví dụ nổi bật cho vai trò của phụ nữ ngày càng tăng trong lực lượng lao động.
Theo các tác giả, dù chịu ảnh hưởng chiến tranh, gần 3/4 dân số nữ trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã tham gia lực lượng lao động ít nhất hai thập kỷ, một trong những tỷ lệ cao nhất và ổn định nhất ở châu Á và thế giới.
Điều này rất quan trọng vì tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động có việc làm hoặc tích cực tìm kiếm việc làm tăng sẽ làm tăng tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế bằng cách tăng số lượng lao động cho mục đích sản xuất, góp phần chống lại những tác động kinh tế tiêu cực của tình trạng già hóa.
Cũng theo các tác giả, bên cạnh tăng trưởng và già hóa, những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế và các chính sách thân thiện với gia đình cũng đóng một vai trò trong sự tham gia tích cực hơn của lao động nữ. Các yếu tố thúc đẩy bao gồm cơ sở hạ tầng tốt hơn, quyền lao động bình đẳng hơn, tỷ lệ sinh sản ở tuổi vị thành niên thấp, sự sẵn có và dễ tiếp cận của dịch vụ chăm sóc trẻ em, cũng như thái độ văn hóa ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động.
Các quốc gia được xếp hạng cao
Nhiều quốc gia Bắc Âu và châu Âu nằm trong số những quốc gia tốt nhất dành cho phụ nữ, trong khi Mỹ xếp thứ 19 trong năm thứ hai liên tiếp.
Theo bảng xếp hạng của US News, 5 quốc gia đứng đầu dành cho phụ nữ bao gồm: Thuỵ Điển (hạng 1), Na Uy (hạng 2), Đan Mạch (hạng 3), Hà Lan (hạng 4) và Phần Lan (hạng 5).
Thụy Điển đứng đầu danh sách các quốc gia tốt nhất cho phụ nữ năm thứ ba liên tiếp. Phụ nữ đã chiếm một tỷ lệ đáng kể trong quốc hội Thụy Điển – hơn 40% – trong ít nhất 25 năm, với tỷ lệ đại diện đạt đỉnh điểm trên 47% vào năm 2006 và một lần nữa vào năm 2019.
Ở nước ngoài, Thụy Điển được quảng bá là có “chính sách đối ngoại nữ quyền” đầu tiên – được thông qua vào năm 2014 với mục tiêu nhấn mạnh bình đẳng giới trong quan hệ quốc tế – mặc dù nước này đã tuyên bố chuyển hướng khỏi cách tiếp cận này vào năm ngoái.
Giống như nhiều quốc gia xếp hạng cao về phụ nữ, Na Uy có lịch sử ủng hộ bình đẳng giới cho công dân của mình. Phụ nữ nắm giữ 45% số ghế trong quốc hội vào năm 2022 tại quốc gia Scandinavi này, đánh dấu tỷ lệ cao nhất trong hơn 30 năm.
Năm 2005, Na Uy là quốc gia đầu tiên yêu cầu các công ty niêm yết phải có hội đồng quản trị có ít nhất 40% phụ nữ, một tiêu chí mà chính phủ gần đây đã thúc đẩy áp dụng cho cả các công ty tư nhân lớn và vừa. Nước này cũng hỗ trợ 49 tuần nghỉ phép nuôi con với mức bảo hiểm đầy đủ cho những người mới làm cha mẹ.
Đan Mạch có lịch sử phấn đấu vì bình đẳng giới trong các lĩnh vực như lực lượng lao động, nhà trẻ và giáo dục. Nữ thủ tướng đầu tiên của Đan Mạch, Helle Thorning-Schmidt, nhậm chức vào năm 2011, và ngay từ năm 1999, Bộ trưởng đầu tiên của Đan Mạch về bình đẳng giới đã được bổ nhiệm.
Phụ nữ nắm giữ tỷ lệ ghế cao kỷ lục trong quốc hội Đan Mạch vào năm 2022, ở mức 44%.
Hà Lan lọt vào top 5 quốc gia hàng đầu cho phụ nữ vào năm 2023, xếp thứ 8 vào năm 2022. Phụ nữ chiếm khoảng 41% thành viên quốc hội Hà Lan vào 2022, tăng đáng kể so với 31% vào năm 2019 – tức là chỉ ba năm trước đó. Đến tháng 7/2023, lần đầu tiên trong lịch sử Hà Lan, phụ nữ chiếm đa số trong nội các nước này.
Một phân tích do Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 3 năm nay đã bổ sung Hà Lan vào danh sách các quốc gia mà phụ nữ có vị thế pháp lý bình đẳng với nam giới trên các lĩnh vực như tiền lương, quyền làm cha mẹ và tài sản, cùng danh sách 13 quốc gia khác.
Phần Lan là quốc gia đầu tiên cho phép phụ nữ tranh cử vào năm 1906 và tính đến năm 2022, phụ nữ nắm giữ 46% số ghế trong Quốc hội Phần Lan. Từ năm 2019 đến 2023, bà Sanna Marin giữ chức thủ tướng Phần Lan, lúc đó là người phụ nữ thứ ba giữ chức vụ này và là người trẻ nhất giữ chức vụ trong lịch sử Phần Lan.
Phần Lan chỉ tụt hai bậc trong danh sách các quốc gia tốt nhất dành cho phụ nữ so với năm ngoái, khi đứng thứ 3, nhưng lại là quốc gia có tỷ lệ phần trăm tổng số người trả lời cao nhất trong cuộc khảo sát đồng ý với tuyên bố, “Phụ nữ nên có quyền được hưởng các quyền bình đẳng như nam giới”, ở mức 98%.
Một số quốc gia châu Á xếp hạng cao bao gồm Nhật Bản (hạng 20), Singapore (hạng 23), Trung Quốc (hạng 28), Hàn Quốc (hạng 31). Một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Thái Lan (hạng 45), Malaysia (hạng 47), Philippines (hạng 51), Indonesia (hạng 52)…
Phương Anh