Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc có gia đình hạnh phúc bên chồng (ảnh do nhân vật cung cấp)
Chưa thông
Nhiều năm nay, chị D.T.L. (sinh năm 1989) ở một phường của thị xã Kinh Môn sống cùng bố mẹ đẻ và gia đình anh trai. Chị được bác sĩ xác định là người khuyết tật trí tuệ song vẫn làm được những công việc đơn giản như nhặt hành, cấy hái, nấu cơm… Biết mình chậm chạp, chị không dám mong muốn có một gia đình hoàn hảo, chỉ ước có một đứa con để chăm sóc. Ước mơ này của chị lúc đầu được gia đình ủng hộ. Chính mẹ chị đã đến nhờ một người quen để xin con cho con gái. Nhưng sau này phát hiện sức khỏe của chị L. chưa tốt, gia đình đã ngăn cấm chị tiếp xúc với người đàn ông kia. Bố mẹ không cho chị ra ngoài, nếu có việc cần thiết thì mẹ sẽ đi theo. Sau khi bị cấm đoán, chị L. buồn bã, nhiều lần uống rượu và hút thuốc lào, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Cũng như chị L., chị N.T.T.H. (sinh năm 1994, quê ở tỉnh Hòa Bình) cũng gặp nhiều rào cản khi đến với hạnh phúc của mình. Chị H. chỉ cao 1,18 m, thuộc dạng khuyết tật khác. Khi quyết định đến với người chồng hiện tại là anh N.V.Đ (sinh năm 1982, ở phường Phú Thứ, Kinh Môn bị khuyết tật vận động), anh chị bị gia đình anh phản đối kịch liệt. Dù gặp nhiều phản đối, nhưng vợ chồng chị H. vẫn đến được với nhau. Anh chị kết hôn năm 2019, đến nay có 1 con trai. Hiện chị H. làm công nhân trong công ty may, anh Đ. làm thuê để nuôi sống gia đình.
Cần thay đổi nhận thức
Không giống như hai trường hợp trên, chị Nguyễn Thị Nha (sinh năm 1983), cán bộ văn phòng Hội Người khuyết tật tỉnh Hải Dương được gia đình ủng hộ đi tìm hạnh phúc riêng của mình. Bẩm sinh chị bị cụt tay trái từ khuỷu trở xuống. Mẹ chị từng nói “Hạnh phúc của con do con tự quyết định, bố mẹ không can thiệp. Con chọn sáng suốt hay sai lầm cũng phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình”.
Nhờ sự ủng hộ của gia đình, sau này chị đã tìm được hạnh phúc riêng. Đó là người đã nhiều ngày chăm sóc chị ở bệnh viện khi chị bị bệnh ung thư. Khỏi bệnh rồi, anh chị làm mấy mâm cơm mời gia đình, họ hàng, cùng gây dựng gia đình.
Cũng như chị Nha, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (sinh năm 1992, quê ở Kinh Môn), hiện sống tại TP Hà Nội may mắn được tự lựa chọn hạnh phúc của mình. Chị liệt từ thắt lưng trở xuống. Hiện chị có gia đình hạnh phúc với người chồng không phải là người khuyết tật và một đứa con xinh xắn. Chị nhớ lại, trước khi cưới bố của người yêu chị đã chủ động nhắn tin động viên chị, liên hệ với bố mẹ chị để bàn chuyện cưới xin.
Theo chị Nha, người khuyết tật vốn gặp nhiều rào cản về học hành, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, thái độ, hành vi, tìm việc làm… Nhiều người còn gặp khó khi tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình mà rào cản lại từ chính người trong gia đình. Các thành viên trong gia đình ngăn cản người khuyết tật tìm hạnh phúc riêng là trái với Luật Người khuyết tật. Luật quy định rõ gia đình cần tôn trọng ý kiến của người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân người khuyết tật và gia đình. Bản thân là một người khuyết tật, chị thấu hiểu được sự tự ti, mặc cảm của người cùng cảnh ngộ. Chính chị đã nhiều lần đấu tranh với chính mình, vượt qua mặc cảm của bản thân để tiến tới hạnh phúc. Tuy vậy không nhiều người có được nhận thức đúng đắn về vấn đề này.
“Nhiều bậc cha mẹ của người khuyết tật không biết rằng họ đã phạm luật khi trở thành rào cản của con cái. Người khuyết tật hoàn toàn xứng đáng có được hạnh phúc và ai cũng phải tôn trọng mong muốn của họ. Tôi mong rằng xã hội dần bớt đi định kiến, tôn trọng quyền và lợi ích của người khuyết tật hơn để họ không phải chịu thêm thiệt thòi, tìm kiếm và xây dựng được hạnh phúc của riêng mình”, chị Nha nói.
Điều 8 về trách nhiệm của gia đình trong Luật Người khuyết tật quy định rõ:
Gia đình có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật. Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm sau đây: Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; tôn trọng ý kiến của người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân người khuyết tật và gia đình… |
BÌNH AN