Khi các quốc gia tập trung tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào cuối tháng 11, câu hỏi về vai trò tương lai của việc giảm carbon trong một thế giới thân thiện với khí hậu sẽ được chú trọng.
Hình thức phổ biến nhất là tập trung hút khí từ một nguồn như ống khói công nghiệp. Từ đó, carbon có thể được chuyển trực tiếp đến nơi lưu trữ khí thải vĩnh viễn dưới lòng đất. Khí thải carbon trước đó có thể được sử dụng cho mục đích công nghiệp khác với các biến thể tương ứng. Có hai loại biến thể là “Thu hồi và Lưu trữ carbon” (CCS) và “Thu hồi, Sử dụng và Lưu trữ carbon” (CCUS).
Theo thống kê, hiện có 42 dự án CCS và CCUS thương mại đang hoạt động trên toàn thế giới với khả năng lưu trữ 49 triệu tấn carbon dioxide hàng năm. Các dự án này chỉ mới đáp ứng khoảng 0,13% trong tổng số khoảng 37 tỉ tấn khí thải hàng năm. Khoảng 30 dự án trong số trên sử dụng carbon để tái chế cho dầu mỏ (EOR).
Một hình thức thu giữ carbon khác là thu giữ không khí trực tiếp (DAC), trong đó lượng khí thải carbon được thu giữ từ không khí.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hiện có khoảng 130 cơ sở DAC đã được lên kế hoạch xây dựng. Tuy nhiên, chỉ có 27 cơ sở được đưa vào vận hành. Lượng khí thải carbon thu được chỉ 10.000 tấn/năm.
Vào tháng 8, Hoa Kỳ đã công bố khoản tài trợ 1,2 tỉ USD cho hai trung tâm DAC ở Texas và Louisiana với mục tiêu sẽ thu được 2 triệu tấn carbon mỗi năm, mặc dù quyết định đầu tư cuối cùng cho các dự án vẫn chưa được đưa ra.
Một trở ngại trong việc triển khai nhanh chóng công nghệ thu hồi carbon là chi phí.
Chi phí CCS dao động từ 15 đến 120 USD cho mỗi tấn carbon, tùy thuộc vào nguồn phát thải. Các dự án DAC thậm chí còn đắt hơn, từ 600 đến 1.000 USD/tấn.
Một số dự án CCS ở các nước như Na Uy và Canada đã bị tạm dừng vì lý do tài chính.
Các quốc gia trong đó có Hoa Kỳ đã triển khai trợ cấp công cho các dự án thu hồi carbon. Đạo luật Giảm lạm phát được thông qua vào năm 2022 đã cung cấp khoản tín dụng thuế 50 USD cho mỗi tấn carbon từ CCUS, 85 USD cho mỗi tấn từ CCS và 180 USD cho mỗi tấn khí thải từ DAC.
Benjamin Longstreth, giám đốc toàn cầu về thu hồi carbon tại tổ chức Clean Air Task Force, cho biết: mặc dù đó là những ưu đãi có ý nghĩa, nhưng các công ty vẫn có thể phải gánh chịu một số chi phí bổ sung để thúc đẩy các dự án.
Một số dự án CCS cũng chưa chứng minh được hiệu quả. Chẳng hạn, một dự án trị giá 1 tỉ USD nhằm khai thác lượng khí thải carbon dioxide từ một nhà máy than ở Texas đã gặp phải các vấn đề kỹ thuật và thường xuyên không đạt được mục tiêu đề ra. Dự án này đã ngừng hoạt động vào năm 2020.
Một vấn đề khác, là nơi lưu giữ khí thải carbon có thể bị giới hạn bởi địa chất. Theo Viện CCS, những nơi lưu trữ carbon tốt nhất là ở các khu vực Bắc Mỹ, Đông Phi và Biển Bắc.
Điều đó có nghĩa, quá trình vận tải đến các địa điểm lưu trữ có thể cần đến mạng lưới đường ống rộng khắp, hoặc thậm chí cả đội tàu vận chuyển – đặt ra những trở ngại mới tiềm ẩn.