“ĐUA” GẮN SAO, XẾP HẠNG
Hồi tháng 9, THE của Anh, một trong 3 tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, công bố bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2024. Theo đó, VN có 6 đại diện được xếp hạng gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Trong số này, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng cùng nằm trong nhóm 601 – 800 trong tổng số 1.900 ĐH của thế giới và dẫn đầu các trường ĐH VN, còn ĐH Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1.201 – 1.500. Trước đó, tại bảng xếp hạng này năm 2023, Trường Duy Tân và Trường Tôn Đức Thắng cũng dẫn đầu ở vị trí 401 – 500, ĐH Quốc gia Hà Nội ở nhóm 1.001 – 1.200. ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Huế xếp thứ 1.501+ cả trong hai năm 2023 và 2024.
Nhiều trường ĐH VN trong các bảng xếp hạng
Vào tháng 7, Phòng Thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) cũng công bố bảng xếp hạng Webometrics lần thứ 2 năm 2023. VN có 186 trường tham gia thì có 5 đơn vị dẫn đầu gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Bách khoa Hà Nội.
Gần đây nhất, ngày 8.11, VN cũng có 15 đại diện lọt vào bảng xếp hạng ĐH châu Á năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS, Anh), với tổng số 857 trường. Trong đó, Trường ĐH Duy Tân thứ 115, Trường ĐH Tôn Đức Thắng hạng 138, tiếp đến là ĐH Quốc gia Hà Nội hạng 187 và ĐH Quốc gia TP.HCM hạng 220. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nằm trong nhóm 291 – 300, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải và Trường ĐH Văn Lang lần lượt nằm trong các nhóm 401 – 450, 651 – 700 và 701 – 750, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội rơi vào nhóm 801+.
Ngoài ra, nhiều trường ĐH VN còn tham gia bảng xếp hạng các viện nghiên cứu, các trường ĐH trên thế giới do SCImago Institutions Rankings thực hiện và thứ hạng cao thuộc về các trường ĐH như Duy Tân, Tôn Đức Thắng, Quốc gia Hà Nội, Y Dược TP.HCM, Nguyễn Tất Thành…
Ngoài việc tham gia các bảng xếp hạng, nhiều trường ĐH còn được gắn sao bởi tổ chức QS, chứng nhận có giá trị trong 3 năm. Theo đó, QS Stars sẽ xếp hạng tổng thể từ 0 – 5 sao trở lên ở các tiêu chí gồm giảng dạy, tỷ lệ sinh viên có việc làm, quốc tế hóa, phát triển học thuật, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trách nhiệm xã hội và phát triển toàn diện. Việc đánh giá gắn sao hoàn toàn dựa vào hồ sơ, số liệu do các trường gửi tổ chức này.
Đến nay có hàng chục trường ĐH được QS Stars gắn sao như Tôn Đức Thắng, FPT, Công nghiệp TP.HCM, Hoa Sen, Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Anh quốc VN, Bà Rịa-Vũng Tàu… Trong đó chủ yếu 4 sao, riêng ĐH Anh quốc VN 5 sao.
NÂNG CAO THƯƠNG HIỆU VỚI QUỐC TẾ
GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wale, Úc) cho rằng xếp hạng ĐH là một xu hướng chung và tất yếu, dù có nhiều người phản đối và chỉ ra những sai lầm trong phương pháp xếp hạng. “Qua các bảng xếp hạng ĐH, chúng ta biết được thế mạnh của các ĐH là gì, và sẽ giúp người học có được sự lựa chọn sáng suốt. Trong quá trình hội nhập thế giới, việc các trường ĐH VN tham gia các bảng xếp hạng cũng là điều bình thường”, GS Tuấn nhận định.
Theo ông, trường ĐH VN đa số vẫn có hạng thấp trên thế giới. Tuy nhiên, khi có tên trong bảng xếp hạng quốc tế thì cũng có một số tác động tích cực. “Thứ nhất, việc có tên trong bảng xếp hạng sẽ nâng cao thương hiệu của trường ĐH và VN trên trường quốc tế; thứ hai, có tên trong bảng xếp hạng ĐH cũng sẽ nâng cao cơ hội hợp tác với trường ĐH cùng đẳng cấp trên thế giới. Thông thường, các trường ĐH phương Tây thích hợp tác khoa học và đào tạo với các trường có tên trong bảng xếp hạng ĐH trên thế giới; thứ ba, tham gia xếp hạng ĐH cũng là cách để biết mình đứng vào vị trí nào về giáo dục ĐH và khoa học trên thế giới”.
Số lượng bài báo trong bảng xếp hạng là tiêu chí dễ bị tác động
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, chỉ số nào trong xếp hạng ĐH cũng có thể bị lạm dụng, nhưng trong đó tiêu chí về số lượng bài báo khoa học công bố là dễ bị tác động nhất.
“Một số trường ĐH lạm dụng quy ước về địa chỉ công tác và địa chỉ nghiên cứu để nâng số bài báo cho mình. Có trường bên Ả Rập Xê Út không làm nghiên cứu nhiều nhưng họ ký hợp đồng với các nhà khoa học nổi tiếng bên Mỹ để họ ghi địa chỉ nghiên cứu ở Ả Rập Xê Út, và thế là tăng số bài báo khoa học và nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng. Đó là một sự lạm dụng mà chưa có cách để giải quyết”, GS Tuấn nêu.
THUẬN LỢI HƠN TRONG TUYỂN SINH
Lý giải cho việc thứ hạng của một trường ĐH cũng có thể khác nhau không ít giữa các bảng xếp hạng, GS-TS Lương Văn Hy, ĐH Toronto (Canada), Chủ tịch Hội đồng đạo đức nghiên cứu Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định mỗi bảng xếp hạng đặt ra các tiêu chí khác nhau với những trọng số khác nhau cho những tiêu chí được lựa chọn.
“Tuy nhiên, những yếu tố liên quan đến nghiên cứu chiếm từ 60 – 62,5% tổng số điểm (trong bảng xếp hạng của QS và THE) và đến 90% tổng số điểm (trong bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải và U.S. News). Thậm chí ở bảng xếp hạng toàn cầu của ĐH Quốc lập Đài Loan, số bài đăng ở các tạp chí học thuật uy tín còn lên đến 100% tổng số điểm. Những yếu tố này gồm số bài đăng ở các tạp chí học thuật uy tín hay sách nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên, danh tiếng về học thuật hay nghiên cứu của ĐH, số giải thưởng Nobel và giải thưởng lớn khác của ban giảng huấn…”, GS Lương Văn Hy thông tin.
Do đó, theo ông Hy, chỉ có các ĐH nghiên cứu hay có định hướng nghiên cứu mới có cơ hội lọt vào những bảng xếp hạng toàn cầu này. Tuy nhiên, các trường ĐH không đặt trọng tâm vào nghiên cứu cũng có thể thực hiện rất tốt sứ mạng giảng dạy của mình, có thể có đầu vào rất cạnh tranh, và có thể được xếp hạng cao trong bảng xếp hạng cấp quốc gia với các tiêu chí không liên quan đến nghiên cứu như bảng xếp hạng U.S. News của Mỹ, hay MacLean của Canada.
“Nhưng dù có những khác biệt, những bảng xếp hạng toàn cầu hay cấp quốc gia giúp các trường ĐH có một cái nhìn so sánh mình với các trường ĐH khác. Bảng xếp hạng cũng cho công chúng một cái nhìn nhanh gọn về các trường ĐH. Từ đó, chúng cũng giúp các trường có thứ hạng cao thuận lợi hơn trong công việc tuyển sinh cũng như việc vận động gây quỹ từ các doanh nghiệp và xã hội nói chung”, GS-TS Lương Văn Hy nhìn nhận. (còn tiếp)
Trường ĐH có xếp hạng cao
sẽ kéo theo tuyển sinh đầu vào tốt
Trước thực trạng ở VN một số trường ĐH VN dù có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng nhưng tuyển sinh đầu vào điểm không cao, các chuyên gia có những chia sẻ .
Qua kinh nghiệm làm việc của mình, GS-TS Lương Văn Hy khẳng định: “Tôi chưa biết một ĐH nào ở phương Tây được xếp hạng cao hay khá cao mà có khó khăn trong việc tuyển sinh và thu hút những sinh viên, học viên, và nghiên cứu sinh giỏi. Rất bất thường nếu ĐH nào được xếp hạng cao hay khá cao mà có khó khăn trong việc tuyển sinh. Những trường được xếp hạng trong các bảng xếp hạng toàn cầu dành cho các ĐH nghiên cứu, hoặc trong các bảng xếp hạng cấp quốc gia bao gồm cả những trường không đặt trọng tâm vào nghiên cứu, thường là những trường có cạnh tranh cao hay rất cao trong đầu vào. Sinh viên vào được các trường hàng đầu này thường có nhiều người giỏi, với nhiều triển vọng thành đạt trong tương lai”.
GS Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết: “Ở Úc đã có một phân tích mối liên quan giữa thứ hạng ĐH và số sinh viên ghi danh, học phí. Kết quả phân tích này cho thấy các ĐH được xếp hạng cao thường có số lượng sinh viên tăng và học phí cũng tăng. Ngay cả lương bổng của hiệu trưởng cũng tăng theo hạng ĐH”. “Điều đó cho thấy một trường ĐH có xếp hạng cao sẽ kéo theo tuyển sinh đầu vào tốt. Nhưng có lẽ sẽ chỉ đúng với những trường xếp hạng cao bằng thực lực”, GS Tuấn nhìn nhận.