Theo chương trình, chiều 24/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Báo cáo tổng hợp ý kiến Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ trước đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc đổi giấy phép lái xe được cấp trước năm 2012 có cần thiết không? Lệ phí hiện nay là 135.000 đồng, việc đổi giấy phép lái xe sẽ gây tốn kém.
Giải trình về vấn đề này, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, việc đổi giấy phép lái xe không thời hạn từ chất liệu giấy sang chất liệu nhựa PET (từ thẻ giấy sang thẻ nhựa) được cấp trước ngày 1/7/2012 là cần thiết.
Bộ trưởng cũng khẳng định,việc này phù hợp, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, các quy định pháp luật hiện hành về việc chuyển đổi số, đồng bộ hóa dữ liệu, định danh, xác thực điện tử, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phục vụ người dân thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Bộ trưởng dẫn Nghị định 59/2022 của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử nêu có nhiều loại giấy tờ được đồng bộ thông tin vào tài khoản định danh điện tử, trong đó giấy phép lái xe là một loại giấy tờ cơ bản.
Đối với những giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 còn thiếu một số trường thông tin cơ bản như ngày, tháng sinh, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân… Vì thế không thể đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước. Mặt khác giấy phép lái xe giấy cấp trước ngày 1/7/2012 được sử dụng trên 10 năm đã cũ, nhàu, nát. Do đó, phải chuyển đổi sang giấy phép lái xe thẻ nhựa mới có thể tích hợp đầy đủ các trường thông tin theo yêu cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cũng nhìn nhận việc chuyển đổi từ giấy phép lái xe giấy sang chất liệu nhựa sẽ phát sinh chi phí về tài chính và thời gian cho người dân. Do vậy, để hạn chế tạo ra áp lực chuyển đổi, tạo thuận lợi hơn cho người dân, Chính phủ sẽ thực hiện chuyển đổi có lộ trình, nghiên cứu mức chi phí, biện pháp thực hiện đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 22 triệu giấy phép lái môtô không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012. Nếu dự thảo luật được thông qua, người sử dụng giấy phép lái xe này sẽ phải làm thủ tục đổi mới sang thẻ PET.
Theo dự thảo luật, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu nhập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định. Các Đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định trên cần nghiên cứu tính toán, liệu có vi phạm đến bí mật đời tư hay không?
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, tính toán, cân nhắc áp dụng quy định nêu trên với xe kinh doanh, xe hợp đồng, xe dịch vụ cho phù hợp và tránh lãng phí. Đối với xe cá nhân chỉ khuyến khích lắp đặt chứ không bắt buộc.
Về vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm cho biết, dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 (năm 2024). Trong quá trình này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của Đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm kỹ lưỡng, chất lượng, khả thi.
Trong đó, sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh quy định về thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình phù hợp với loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng như điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân và tính khả thi về quy định của luật khi được áp dụng trong thực tiễn.
Bộ trưởng Công an nêu lý do cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn
Theo Bộ trưởng Công an, quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông…
Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Áp dụng công nghệ sẽ giảm ‘tiếng ong ve’ về CSGT
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, phải áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả, giảm bớt ‘tiếng ong ve’ về CSGT, bởi vì phạt không trực tiếp, không tiếp xúc, muốn tiêu cực cũng không tiêu cực được.
Đề nghị cân nhắc quy định ‘cấm tuyệt đối nồng độ cồn’ với người lái xe
Trước quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết có một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì quá nghiêm khắc, chưa phù hợp với văn hoá, tập quán.