(Dân trí) – Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ hành trình vượt lên số phận, bước qua khó khăn để đạt được ước mơ, làm chủ cuộc sống.
Hoa hậu H’Hen Niê tích cực truyền cảm hứng, hoạt động cộng đồng sau 6 năm từ ngày đăng quang (Video: Cao Bách).
Năm 18 tuổi, cô gái người Ê-đê H’Hen Niê quyết tâm rời buôn làng để theo học trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang. Nhìn lại hành trình của bản thân, cô vẫn thường tự hỏi, cuộc đời mình sẽ thế nào nếu chấp nhận nghỉ học, lấy chồng năm 14 tuổi?
Chắc chắn rằng với lựa chọn đó, H’Hen Niê sẽ không trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, càng không có cơ hội vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018 và được nhiều người biết đến như bây giờ. Chiếc vương miện của H’Hen Niê là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực vượt lên số phận, đấu tranh chống định kiến giới để đạt được ước mơ của cô.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, hoa hậu sinh năm 1992 bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục truyền động lực cho các bạn trẻ, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, để họ tìm được lối đi đúng đắn cho tương lai, làm chủ cuộc sống và đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội.
Xuất thân trong gia đình khó khăn, ai là người truyền cảm hứng cho H’Hen Niê theo đuổi mục tiêu “học đến nơi đến chốn”, chỉ có học mới giúp gia đình và bản thân mình thoát khỏi cái nghèo?
– Từ khi còn bé, tôi đã thích đi học và muốn được đi học rồi. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản là mình đi học có bạn bè, có thầy cô, được học nhiều điều hay, bổ ích, còn nếu không đi học thì mình ở nhà phụ gia đình làm nương rẫy.
Giữa việc đi học và đi làm nương rẫy, tôi thích đi học hơn. Còn nhớ lúc đó, khi thấy mấy anh chị đi học cấp 3, đại học, tôi ngưỡng mộ lắm. Tôi ấp ủ ước mơ cũng muốn được giống như vậy và hướng đến suy nghĩ sau này sẽ làm một công việc văn phòng, có tiền phụ giúp gia đình.
Từ những suy nghĩ đơn giản đó, dần dần tôi có những mục tiêu lớn hơn đi cùng quyết tâm phải nỗ lực theo đuổi việc học.
Trong hành trình nuôi dưỡng ước mơ đó, H’Hen Niê có được ai giúp đỡ, chia sẻ?
– Chính thầy cô là những người truyền lửa, truyền động lực cho tôi. Khi đi học, tôi được nghe thầy cô chia sẻ những câu chuyện về tương lai, về khởi nghiệp và tầm quan trọng của việc học. Nhìn bạn bè xung quanh ham học, tôi cũng có động lực hơn.
Tôi thấy mình may mắn vì trong thời gian đó, luôn có những lời động viên để tôi vững tin hơn vào lựa chọn của mình.
Từng bị mẹ yêu cầu nghỉ học, ở nhà lấy chồng khi mới 13-14 tuổi, đường đến trường lại xa, đi lại vất vả, H’Hen Niê thuyết phục cha mẹ ra sao để được tiếp tục theo đuổi việc học?
– Mẹ tôi không phải bắt ép, yêu cầu mà lúc đó mẹ thấy bạn bè đồng trang lứa tôi đa số đều có chồng nên mẹ lo tôi “ế”. Vì vậy, mẹ có gợi ý đến chuyện kết hôn. Nhưng tôi không đồng ý và nói với cha mẹ rằng tôi muốn tiếp tục đi học.
Thấy tôi kiên quyết quá nên cha mẹ cũng không nhắc đến chuyện này nữa. Thi thoảng lâu lâu mẹ lại bảo “coi chừng ế đó nha”. Thật ra cha mẹ tôi cũng rất tôn trọng quyết định của tôi, chỉ là ở góc độ phụ huynh thì lo cho con mình mà thôi.
Trong một cuộc phỏng vấn, H’Hen Niê từng hé lộ thời đi học bạn ngại nói tiếng Kinh, gặp nhiều rào cản ngôn ngữ. Bạn vượt qua như thế nào?
– Tiếng Kinh là ngôn ngữ thứ hai của tôi. Đến bây giờ mọi người cũng có thể thấy là đôi khi tôi nói hoặc viết vẫn bị vấn đề về vốn từ và ngữ pháp.
Thời nhỏ, tôi học với các bạn người Kinh nên ngại giao tiếp, sợ bạn bè trêu chọc. Cũng có một vài từ ngữ tôi không thể dịch ra tiếng Ê-đê được, ngại nói sai. Thực ra đó là tâm lý chung, còn các bạn cũng không chọc ghẹo tôi, trái lại còn nhiệt tình hướng dẫn và giải thích cho tôi từ này có nghĩa là gì. Nhờ có các bạn hỗ trợ mà vốn tiếng Kinh của tôi được cải thiện hơn nhiều.
Vì sao khi trưởng thành, H’Hen Niê từng nhen nhóm ước mơ làm nhân viên ngân hàng?
– Thời tôi còn nhỏ, có một nhóm anh chị sinh viên trường kinh tế, tài chính ngân hàng về quê tôi hoạt động tình nguyện. Trong đôi mắt trẻ thơ của tôi ngày đó, nhìn thấy các anh chị mặc đồng phục trường đại học, tôi ngưỡng mộ và thích lắm.
Có lần, tôi theo ba đến ngân hàng, thấy các chị ngồi văn phòng rất xinh. Là con gái nên tôi cũng ước sau này mình xinh giống các chị, được ngồi văn phòng gõ bàn phím máy tính.
Thời điểm đó, ngành tài chính ngân hàng đang là xu hướng, học xong dễ có việc làm nên tôi cũng ước mơ làm nhân viên ngân hàng. Đó là tôi suy nghĩ như vậy thôi chứ không biết là mình có phù hợp với công việc này hay không.
Vượt qua nhiều khó khăn, H’Hen Niê trở thành hoa hậu. Bên cạnh những lời khen, bạn cũng từng đối mặt với những tranh cãi về ngoại hình thời mới đăng quang. Bạn làm thế nào để vượt qua và giữ vững ý chí phấn đấu?
– Thực sự lúc mới đăng quang, nghe những tranh cãi về ngoại hình của mình, tôi cũng buồn chứ. Nhưng sau đó tôi được công ty quản lý khuyên nhủ. Tôi hiểu rằng cuộc sống lúc nào cũng phải có hai luồng quan điểm đối nghịch nhau.
Từ đó, tôi tập trung vào các hoạt động của mình thay vì buồn bã trước những lời chê bai. Khi bạn giữ cho bản thân một năng lượng tích cực và lạc quan, bạn sẽ thấy mọi thứ xung quanh mình đều tươi đẹp.
Đến nay, H’Hen Niê đã đỡ đần được cha mẹ như thế nào về kinh tế?
– Tôi may mắn khi có thể lo được cho cha mẹ và các anh chị em của mình một phần nào đó, như xây lại nhà cho ba mẹ, xây nhà cho anh em, mua đất cho gia đình… Thật ra, mọi người vẫn chủ động lao động, tiếp tục các công việc ở nhà như làm rẫy, trồng cây… Tôi chỉ hỗ trợ để cuộc sống của gia đình được tiện nghi và đầy đủ hơn.
Bên cạnh đó, tôi tạo điều kiện cho các cháu của mình lên thành phố học hoặc theo đuổi công việc mà các cháu mong muốn.
Ở cương vị hoa hậu, H’Hen Niê góp tiếng nói trong việc đấu tranh vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cho phụ nữ dân tộc thiểu số ra sao?
– Suốt những năm qua, tôi đồng hành cùng các tổ chức, dự án liên quan đến giáo dục và phụ nữ, trẻ em. Trùng hợp là các hoạt động tôi làm đều liên quan đến vấn đề bình đẳng giới nên tôi có dịp đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân vật và qua đó hiểu thêm về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình.
Bản thân tôi cũng từng trải qua những câu chuyện tương tự nên tôi đồng cảm và muốn mọi người được tiếp cận với giáo dục. Nhiều thầy cô kể lại với tôi rằng các em học sinh nữ sau khi gặp tôi, cũng đã bắt đầu xác định ước mơ của mình là gì.
Những điều này mang đến cho bạn cảm xúc gì?
– Tôi thấy đồng cảm với mọi người. Tôi hạnh phúc vì đó là những việc làm bé nhỏ nhưng cũng là khởi đầu cho những hành động lớn sau này.
H’Hen từng cho biết đa số người dân ở buôn làng của mình muốn nắm bắt hạnh phúc trước mắt thay vì phấn đấu lâu dài, ví dụ như đi làm thuê 120.000 đồng/ngày thay vì đến trường. Là người có sức ảnh hưởng, bạn làm gì để góp phần nâng cao nhận thức về giáo dục cho người dân quê hương?
– Tôi vẫn luôn khuyến khích mọi người phấn đấu về lâu dài thay vì mục tiêu ngắn hạn trước mắt, chẳng hạn đầu tư làm một công việc nào đó mang tính ổn định và có thể phát triển dựa vào khả năng của bản thân.
Ở nhà, tôi thường bảo anh em và các cháu của mình là muốn học gì, làm gì cứ nói, tôi sẽ hỗ trợ, nhưng phải xác định được mình muốn học và làm công việc nào.
Ở buôn làng của H’Hen Niê có nhiều bạn nữ lên thành phố đi học không?
– Tôi nhận thấy ngày trước các bạn thường nghỉ học sớm, còn bây giờ các bạn cố gắng học hết lớp 12 rồi mới đi làm. Do còn nhiều khó khăn nên việc quyết tâm theo đuổi việc học ở thành phố vẫn có những cản trở, mặc dù đã đơn giản hơn so với trước kia.
Tôi thấy hiện nay các bạn có ý chí, cầu tiến, ham học hỏi ở những lĩnh vực khác nhau. Nhiều bạn còn tập tành kinh doanh, đây cũng là tín hiệu tốt để đời sống các bạn được cải thiện hơn, từ đó thế hệ sau sẽ được chăm lo kỹ hơn về mặt giáo dục.
Tại Miss Universe năm 2018, H’Hen để lại nhiều ấn tượng khi lan tỏa câu chuyện chống tảo hôn, vượt lên số phận của mình đến bạn bè thế giới. Chia sẻ một chút về dấu ấn này?
– Tại cuộc thi Miss Universe, trong phần hồ sơ, Ban Tổ chức có một câu hỏi rằng “bạn muốn kể câu chuyện gì về bạn cho thế giới biết?”.
Trên sân khấu chung kết Miss Universe 2018, tôi cũng chia sẻ lại câu chuyện ấy. Tôi nghĩ khi mang sash (băng đeo) Việt Nam tại đấu trường sắc đẹp quốc tế, đó là cơ hội để tôi cất lên tiếng nói và thông điệp của mình lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
H’Hen Niê nghĩ sao về ảnh hưởng của hủ tục tảo hôn đối với phụ nữ?
– Theo hiểu biết của tôi, ở tuổi vị thành niên, các em gái còn quá nhỏ về thể chất lẫn tinh thần để có thể làm vợ, làm mẹ, từ đó dẫn đến tâm lý chưa ổn định, sức khỏe chưa sẵn sàng, chưa đủ kiến thức để bước vào cuộc sống hôn nhân. Tôi cũng biết những trường hợp bạn bè tôi lấy chồng sớm rồi sinh con, phải gác lại ước mơ, có hoài bão để lo cho chồng con.
Hiện tại các tổ chức, hội phụ nữ địa phương có nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích và giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số học tập, làm việc và chăm sóc sức khỏe. Tôi thấy khoảng cách đã được rút ngắn, các tổ chức, hội cũng tiếp cận dễ dàng hơn với các gia đình, qua đó cùng nhau xây dựng một đời sống xã hội phát triển hơn.
Qua góc nhìn của H’Hen Niê, phụ nữ dân tộc ngày nay đã có đủ tự tin giải phóng số phận, làm chủ cuộc đời, khẳng định khả năng của chính mình chưa? Họ còn gặp những rào cản nào?
– Tôi nghĩ ở thời nào cũng vậy, phụ nữ luôn có những hoài bão, nhưng vì lý do nào đó, họ chưa thể chủ động theo đuổi và thực hiện ước mơ.
Xã hội ngày nay cũng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và cởi mở hơn, cùng sự hỗ trợ, quan tâm từ các cơ quan ban ngành, tổ chức. Mặt khác, đó còn là sự lựa chọn của mỗi người.
Có người sẽ chấp nhận gác lại ước mơ, có người kiên trì theo đuổi, đó thuộc về khía cạnh góc nhìn riêng, rất khó để thay đổi, bên cạnh các nguyên nhân đến từ hủ tục, gia đình, xã hội…
Quan sát những cô gái trẻ ở buôn làng của mình hiện nay, bạn thấy thương họ điều gì nhất? Nếu được chia sẻ với họ về chuyện tình yêu, kết hôn, bạn sẽ nói điều gì với họ?
– Luôn yêu thương bản thân và chủ động tạo nên hạnh phúc cho mình – đó là điều mà tôi muốn chia sẻ cùng các cô gái trẻ.
Khi quan sát những người xung quanh mình, ở buôn làng mình, tôi thấy điểm chung của nhiều cô gái là dang dở ước mơ. Đặt trường hợp của tôi, nếu không thực hiện được ước mơ của mình, có lẽ bây giờ tôi đã khác.
Là người đi trước, trải qua nhiều khó khăn, H’Hen Niê muốn chia sẻ lời khuyên gì cho các thiếu nữ dân tộc ngày nay?
– Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ xác định được con đường đúng đắn, phù hợp với bản thân và có một cuộc sống hạnh phúc với lựa chọn của riêng mình. Nuôi dưỡng ước mơ và cố gắng thực hiện, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cho những ước mơ.
Cảm ơn H’Hen Niê vì những chia sẻ!
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiết kế: Đức Bình
Dantri.com.vn